Mối quan hệ giữa trầm cảm và sức khỏe tim mạch là một con đường hai chiều. Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ, trầm cảm làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim lên tới 64%. Báo cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho thấy, khoảng 1/5 người bệnh tim bị trầm cảm nặng.
Rashmi Parmar, bác sĩ tâm thần người lớn và trẻ em tại Mindpath Health, Newark, Mỹ, cho biết, trầm cảm là một yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch, không chỉ vì tác động tâm lý mà còn cả sinh lý.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí MNJ Open cho thấy, những người trưởng thành 40-80 tuổi bị trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh tim liên quan đến xơ vữa động mạch cao hơn.
Xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến các mạch máu được gọi là động mạch, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Theo thời gian, khi già đi, các động mạch dần dần cứng lại và những mảng bám tích tụ dọc theo thành động mạch. Nhiều người bị xơ vữa động mạch không gặp các triệu chứng, đặc biệt là trong những trường hợp nhẹ.
Nhưng trong những trường hợp khác, độ cứng động mạch và sự tích tụ mảng bám khiến máu khó lưu thông bình thường qua động mạch. Điều này có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ, cả hai đều có khả năng gây tử vong.
![Trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ảnh: Freepik.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/04/08/stress-6960-1649384508.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xlvuio-r5WvOXj1rO-ob8g)
Trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ảnh: Freepik.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước này và thường là căn bệnh thầm lặng.
Arvind Nirula, bác sĩ tim mạch tại Viện Tim mạch và Mạch máu Memorial Care, Trung tâm Y tế Orange Coast ở Fountain Valley, California (Mỹ), cho biết, trên thực tế những người bị trầm cảm thường có thói quen ăn uống không lành mạnh, không tập thể dục đều đặn, tăng cân và hút thuốc. Đây là tất cả yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp, tiểu đường, cholesterol và bệnh tim.
Tiến sĩ Ernesto Lira de la Rosa, một nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ và là cố vấn truyền thông cho Hope for Depression Research Foundation, cảnh báo, trầm cảm có thể khiến người bệnh không có động lực khám bệnh hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ.
Trầm cảm và bệnh tim thường có các triệu chứng chồng chéo như mệt mỏi và lo lắng. Vì lý do này, bệnh nhân có các triệu chứng tương tự, cùng với các biểu hiện và yếu tố nguy cơ của bệnh tim nên thăm khám bác sĩ để có đánh giá kịp thời.
Theo Cleveland Clinic, nếu bệnh nhân bị đau tim, vừa phẫu thuật tim hoặc được chẩn đoán mắc bệnh tim như bệnh động mạch vành thì có khả năng phát bệnh trầm cảm.
Tiến sĩ Lira de la Rosa giải thích, mắc bệnh tim mạch có thể khiến người bệnh phải thăm khám nhiều lần, thay đổi lối sống, dùng thuốc để kiểm soát tình trạng bệnh và gia tăng căng thẳng khi phải thích nghi với một lối sống mới. Điều này có thể quá tải và khiến một số người gặp các triệu chứng trầm cảm.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu không được điều trị, trầm cảm có thể khiến tình trạng tim hiện tại trở nên tồi tệ hơn và làm tăng nguy cơ đau tim. Trầm cảm không được điều trị đặc biệt nguy hiểm đối với những người lớn tuổi mắc bệnh mạch vành.
Châu Vũ (Theo Everydayhealth)