5 năm nay, bệnh tiến triển thành thể nặng nhất khiến da anh Giang đỏ loang lổ, dày tróc vảy trắng, các ngón tay, chân sưng to, biến dạng, khó cầm nắm, thường xuyên đau nhức. Anh chạy xe ôm công nghệ nhưng mỗi ngày chỉ ra đường 4-5 tiếng, luôn che phủ kín người. Bệnh không thể chữa khỏi trong khi thu nhập mỗi tháng chỉ đủ trả tiền trọ, ăn uống và mua thuốc giảm đau, anh bế tắc, chán nản.
BS.CKI Lý Thiên Phúc, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khám cho bệnh nhân, nhận thấy anh Giang có những dấu hiệu rõ rệt của trầm cảm như nét mặt trầm buồn, u uất, ngại giao tiếp. Anh Giang thừa nhận "bị mắc kẹt trong vòng lặp bệnh tật và nghèo khó".
Còn ông Hai, 56 tuổi, trở nên dễ cáu gắt, bực bội do bệnh vảy nến. Sau cơn đột quỵ liệt nửa người hồi năm ngoái, sức khỏe ông ngày càng suy kiệt, mất ngủ triền miên, đau đớn, mất khả năng đi lại. Ông muốn buông xuôi, không chịu uống thuốc hay tới viện điều trị.
Tương tự, Mai, 17 tuổi, ngụ Cà Mau, hơn một năm nay không chịu đi học, bỏ ăn, mất ngủ, có hành vi tự làm hại bản thân, dễ kích động do bệnh vảy nến. Khi biết phải chung sống với bệnh suốt đời, Mai tuyệt vọng. Mẹ Mai cho biết trong hơn một năm mắc vảy nến em như trở thành người khác. Khi gặp bác sĩ, Mai luôn cúi mặt, tự ti.
Vảy nến là tình trạng viêm da mạn tính, cơ chế sinh bệnh do tương tác giữa yếu tố miễn dịch, di truyền và yếu tố bên ngoài (thuốc, nhiễm trùng, stress, chấn thương, rượu bia, thuốc lá...). Bộ Y tế ghi nhận 2-3% dân số mắc bệnh này, tỷ lệ nam, nữ như nhau.
Tình trạng chung của nhiều người mắc vảy nến là tâm lý chán nản bởi bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn, điều trị sai cách dễ biến chứng, trở nặng. Một nghiên cứu năm 2021 với 122 người bệnh vảy nến đăng trên Tạp chí Y học Việt Nam, cho thấy có 26,2% trường rối loạn trầm cảm, trong đó mức nặng chiếm gần 22%. 100% người bệnh bị giảm sút lòng tự tin, gần 22% có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Theo nghiên cứu dịch tễ học của Bệnh viện Da liễu Trung Quốc và các đơn vị, đăng trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ năm 2022, tỷ lệ mắc trầm cảm ở bệnh nhân vảy nến cao hơn dân số chung.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết tại đây đang điều trị cho gần 200 người bệnh vảy nến ở mọi độ tuổi, giới tính và mức độ bệnh. Điểm chung của họ trong lần đầu tới khám là chán nản, hoang mang, có dấu hiệu rối loạn lo âu, trầm cảm rõ rệt.
"Người bệnh vảy nến nào cũng có nguy cơ bị trầm cảm", bác sĩ Phúc nhận định, lý giải người mắc vảy nến thể nặng, diện tích sang thương trên da lớn, bệnh tiến triển thành nhiều biến chứng, người trẻ tuổi, người không có điều kiện kinh tế hoặc không có người thân kề cận chăm sóc thì nguy cơ trầm cảm càng cao.
Khi mắc vảy nến, các sang thương có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể, gây mất thẩm mỹ, tự ti, kèm theo ngứa, đau, khó chịu. Trường hợp bùng phát vảy nến ở cơ quan sinh dục, ngực khiến người bệnh gặp khó khăn khi tiếp xúc thân mật. Một số người nhầm lẫn triệu chứng của vảy nến với các bệnh truyền nhiễm như giang mai, ghẻ lở... nên kỳ thị người bệnh, khiến bệnh nhân ngại tiếp xúc, tự cô lập bản thân.
Phải dùng thuốc suốt đời và chi phí điều trị cũng là gánh nặng cho nhiều người bệnh. Vảy nến không được điều trị kịp thời và đúng cách dễ tiến triển sang các thể nặng hơn như đỏ da toàn thân, viêm khớp vảy nến gây đau, sưng, cứng khớp, biến dạng khớp vĩnh viễn... Người bệnh cũng dễ mắc thêm đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, nguy cơ tim mạch... Chữa sai cách gây "tiền mất tật mang" càng làm người bệnh mất niềm tin điều trị.
"Tất cả điều trên khiến người mắc vảy nến dễ rơi vào trầm cảm", bác sĩ Phúc nói, thêm rằng thực tế, người bệnh trẻ tuổi stress nhiều hơn vì tương lai còn dài, nhưng công việc, mối quan hệ xã hội bị bệnh tật cản trở.
Bác sĩ Phúc nhấn mạnh trầm cảm và vảy nến có cơ chế tác động qua lại, khuếch đại lẫn nhau. Stress là yếu tố thuận lợi làm khởi phát hoặc tái phát bệnh vảy nến. Bệnh càng nặng người bệnh càng stress, mất ngủ, giảm chất lượng sống, dẫn tới trầm cảm. Trầm cảm và vảy nến đều khiến cơ thể giải phóng các cytokine gây viêm. Hai bệnh này cũng làm rối loạn nồng độ các hormone (cortisol và adrenaline) trong quá trình chống stress của cơ thể, kéo theo phản ứng viêm rầm rộ hơn. Từ đó, các triệu chứng trầm cảm và vảy nến hiện tại trầm trọng thêm hoặc kích hoạt đợt bệnh mới nặng hơn.
Kiểm soát bệnh ổn định, sạch sang thương trên da, giảm số lần tái phát, giảm di chứng, biến chứng của vảy nến sẽ cải thiện được tình trạng trầm cảm ở người bệnh, bác sĩ Bích cho hay. Do đó, ngoài điều trị vảy nến, người bệnh cần được ổn định tâm lý với sự phối hợp của bác sĩ và gia đình.
Theo bác sĩ Bích, hiện có nhiều phác đồ điều trị vảy nến hiệu quả, trong đó thuốc sinh học là bước tiến mới vì kiểm soát các triệu chứng tốt, nhanh và ít tác dụng phụ hơn. Tùy mức độ bệnh, diện tích cơ thể bị ảnh hưởng, bệnh lý kèm theo, mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, điều kiện kinh tế của người bệnh, bác sĩ tư vấn phương pháp phù hợp.
Như Mai lựa chọn điều trị bằng tiêm thuốc sinh học. Sau hai tháng, da bớt tróc vảy, gần như bình thường, em đỡ mặc cảm. Được cha mẹ và cô giáo động viên, Mai đi học trở lại.
Trường hợp anh Giang, bác sĩ chọn thuốc cổ điển đường uống và bôi, thoa kem dưỡng ẩm với chi phí phù hợp điều kiện kinh tế của bệnh nhân. Người bệnh được phối hợp trị liệu tâm lý, kiêng rượu bia, thuốc lá, hạn chế dầu mỡ, thịt đỏ và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời để bệnh mau lành. Sức khỏe thể chất và tinh thần cải thiện, anh Giang có thể làm việc nhiều hơn để tăng thu nhập. "Tôi thấy phấn chấn và lạc quan hơn", anh nói.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |