Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Châu, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết vảy nến là bệnh mạn tính, không có cách chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị như thuốc bôi, thuốc cổ điển, liệu pháp ánh sáng, thuốc sinh học giúp làm giảm các triệu chứng. "Thuốc sinh học là bước tiến mới trong điều trị vảy nến vì kiểm soát các triệu chứng tốt, nhanh và ít tác dụng phụ hơn", bác sĩ Châu nói.
Thuốc sinh học điều trị vảy nến có nhiều loại với thành phần hoạt chất khác nhau, ở dạng tiêm dưới da, truyền tĩnh mạch hay uống. Thuốc sinh học tác động lên hệ thống miễn dịch của cơ thể giúp giảm viêm và kìm hãm quá trình tăng sản quá mức của các tế bào da.
Bác sĩ Châu cho biết thuốc sinh học được chỉ định điều trị khi bệnh nhân có mức độ bệnh từ trung bình đến nặng (bệnh ảnh hưởng đến hơn 10% diện tích bề mặt cơ thể). Người bệnh bị viêm khớp vảy nến hay bệnh mức độ nhẹ nhưng ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, thất bại hoặc gặp tác dụng phụ nặng khi sử dụng các phương pháp điều trị cổ điển. Trước đây, các thuốc sinh học đều dùng cho bệnh nhân trên 18 tuổi. Hiện nay, một số thuốc được cho phép điều trị vảy nến cho trẻ em.
Bệnh nhân vảy nến có nguy cơ bùng phát bệnh trong thai kỳ. Trước đây, không có thuốc sinh học nào được chấp thuận để điều trị vảy nến cho thai phụ nhưng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, một số thuốc đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả để kiểm soát bệnh khi mang thai. Một số thuốc sinh học cần được ngừng trước khi mang thai.
Thuốc sinh học ức chế phản ứng viêm nên khi sử dụng làm cho cơ thể không chống lại được các tác nhân gây viêm nhiễm. Từng nhóm thuốc khác nhau có các chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ khác nhau.
Để giảm tác dụng phụ đến mức tối thiểu, những xét nghiệm cần làm trước khi sử dụng thuốc sinh học gồm tổng phân tích tế bào máu, bộ xét nghiệm chức năng gan và thận, điện giải đồ, bộ xét nghiệm viêm gan siêu vi B, C, xét nghiệm loại trừ lao tiềm ẩn, xét nghiệm loại trừ HIV. Trong thời gian dùng thuốc, người bệnh cũng cần tái khám và kiểm tra định kỳ để đảm bảo an toàn.
Trước khi dùng thuốc sinh học, người bệnh nên tiêm vaccine cúm, phế cầu và viêm gan siêu vi B. Người bệnh không được sử dụng vaccine sống giảm độc lực (được sản xuất từ virus hoặc vi khuẩn đã được làm yếu đi) trong thời gian dùng thuốc sinh học. Bởi lúc này hệ miễn dịch yếu đi, có thể không chống lại được các tác nhân này và dễ gây bệnh.
Khi mắc vảy nến hoặc có triệu chứng nghi ngờ, người bệnh nên đến bác sĩ da liễu - thẩm mỹ da hoặc bác sĩ chuyên khoa miễn dịch để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị. Thuốc được chỉ định tùy thuộc độ nặng của bệnh, diện tích cơ thể bị ảnh hưởng, các bệnh kèm theo, mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng kinh tế của từng bệnh nhân.
Chỉ định sử dụng và theo dõi điều trị rất phức tạp. Bác sĩ Châu khuyến cáo khi có ý định sử dụng thuốc sinh học, người bệnh phải được bác sĩ tư vấn và tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị để tránh nguy hiểm.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |