Số ca nhiễm đã vượt 1.000, nhiều F0 rải rác, các tỉnh thành xung quanh cũng đang có diễn biến dịch phức tạp... dù TP HCM sắp qua một tuần đầu tiên trong hai tuần giãn cách thứ hai liên tiếp theo chỉ thị 15 của Thủ tướng. Đây được xem là thời gian mang tính bản lề, hết sức quan trọng và cấp thiết để chống dịch của riêng TP HCM và của cả nước.
Người dân cũng đã rất mỏi mệt trong suốt thời gian đợt dịch thứ tư bùng phát, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội gần đây. Hoạt động kinh doanh manh mún, chủ yếu dừng lại ở mức cầm chừng, không thể bứt phá. Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng do thu nhập giảm. Tệ nạn xã hội có nguy cơ phát triển nếu tình hình khó khăn kinh tế kéo dài kiểu mưa dầm như hiện nay.
Một tuần trở lại đây, số ca mới tại TP HCM đều đứng trong top 3 của cả nước - hai địa phương còn lại là Bắc Ninh và Bắc Giang. Tổng số bệnh nhân phải nhập viện do dương tính nCoV mỗi ngày trung bình từ 60-70 ca, đỉnh điểm là 99 ca. Đẩy TP HCM có 1.100 ca nhiễm nhanh hơn bao giờ hết. Trong khi đó, kịch bản ban đầu "có 1000 ca sẽ rất khó khăn cho y tế thành phố".
Gần đây, chính quyền thành phố phải chuyển đổi công năng một số bệnh viện thuộc Sở Y tế thành bệnh viện điều trị Covid-19 và dự trù kịch bản có 5.000 ca - đây là điều không ai muốn trở thành hiện thực. Áp lực rất lớn đến y tế địa phương, trung tâm chăm sóc sức khỏe của cả nước. Cùng với đó, các địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, Tiền Giang cũng đang có dịch diễn biến căng thẳng. Đồng Nai cũng trở thành tỉnh nguy cơ cao.
>> Giải bài toán kinh tế cho người Sài Gòn khi kéo dài giãn cách
Là đầu mối giao thương của cả nước, bên cạnh những cá thể mang bệnh nội tại thì sự dịch chuyển lớn với các địa phương là thách thức lớn với thành phố lúc này. Mặc dù các địa phương xung quanh đã nâng cảnh báo cũng như áp các chỉ thị giãn cách nhưng nguy cơ có ca nhiễm từ ngoại tỉnh vẫn chực chờ. Gồng gánh vượt lực sẽ gãy gánh.
Thực tế cho thấy, dù trong thời gian giãn nhưng nhiều người vẫn còn thờ ơ, thành phố đã ra văn bản nhắc nhở. Nhưng dấu hỏi lúc này là liệu ý thức đã được nâng cao thực sự hay chưa? Đâu đó vẫn còn những buổi tụ tập ăn uống đông người, chén chú chén anh ở các khu vực "tạm cho là an toàn". Suy nghĩ của rất nhiều người còn nghĩ rằng "dịch ở đâu đâu chắc không đến xóm của mình đâu".
Biết rằng giãn cách sẽ tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế và cả phục hồi kinh tế nhưng chính quyền thành phố cần cân nhắc sử dụng biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để dập dịch nhanh hơn. Malaysia đã chần chừ áp lệnh phong tỏa và họ đã phải trả giá nặng nề. Tất nhiên, nâng mức độ giãn cách, nhưng không đồng nghĩa ngừng sản xuất. Các khu công nghiệp, nhà máy đáp ứng yêu cầu chống dịch cần được duy trì.
Hoàn tất đợt dịch càng sớm sẽ càng hạn chế tổn thất về sức khỏe cộng đồng cũng như kinh tế lâu dài. Từ đó, chúng ta mới có thể chuyển sang trạng thái sống chung với dịch bằng các biện pháp hạn chế khác.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.