"Thời gian trước, khi Việt Nam không còn ca lây nhiễm cộng đồng nào, tôi thấy nhiều người đã bắt đầu chủ quan. Chẳng cứ đâu xa, ngay tại công ty tôi làm việc, mấy ngày trước tôi đi thang máy, rất nhiều người không đeo khẩu trang. Nước sát khuẩn luôn để sẵn những cũng rất ít người dùng. Người ta cũng vô tư nói chuyện, ăn uống gần nhau thay vì giữ khoảng cách theo quy định.
Nói chung, chúng ta dường như chỉ thấy sợ và đề cao cảnh giác khi có ca lây nhiễm hiện hữu trong nước, còn sau đó gần như đâu lại vào đấy. Đó chính là mầm họa cho dịch bệnh tái bùng phát trong cộng đồng. Chừng nào người Việt chưa thực sự ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc phòng dịch thì mọi công sức của các cấp ban ngành cũng sẽ chỉ như muối bỏ biển".
Độc giả LAV chia sẻ về tình hình thiếu chấp hành quy định phòng dịch Covid-19 của người Việt thời gian qua. Trước đó, Việt Nam đã trả qua hơn một tháng không ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng nào, dù hàng ngày vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm nhập cảnh cách ly ngay, trong đó ngày nhiều nhất là 25 ca. Tâm lý an toàn đã khiến nhiều người có phần chủ quan với công tác đảm bảo phòng chống dịch.
Khẳng định sự lơ là, chủ quan của nhiều người Việt thời gian qua, bạn đọc Đỗ Châu nhấn mạnh: "Tôi thấy việc phòng chống Covid-19 của ta về lý thuyết rất kiên quyết, nhưng về thực tế thì còn nhiều sơ hở. Trong dịp kỷ niệm, ngày lễ, các ngày hội, hay tại những nơi công cộng, các cơ sở có nhiều người đến (như bệnh viện, hàng ăn, công viên, phố đi bộ...) biện pháp 5K không được thực hiện đầy đủ, nhất là khâu giữ khoảng cách. Nếu không kiên quyết hơn nữa thì những thành tích đang nể của ta trong công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua sẽ nhiều nguy cơ đổ bể".
Đó cũng là nỗi trăn trở của độc giả Thanh Thanh: "Tôi đang lo lắng cho Vũng Tàu quê mình. Lễ hội ẩm thực kéo dài cả chục ngày, với cả trăm doanh nghiệp tham gia, tổ chức dọc con đường biển đẹp nhất - Quang Trung. Hôm khai trương (tối 24/4), tôi thấy toàn người là người, khẩu trang rất ít đeo, vì họ phải nhìn ngắm và mua đồ để ăn thưởng thức. Tôi sợ nhất bốn ngày lễ này. Thời tiết nóng bức, khách du lịch nườm nượp khắp nơi đổ về, vui chơi, ăn uống, lại được tắm biển đêm, với dàn đèn cao áp sáng trưng dưới bãi tắm; tắm xong bước vài bước chân lên bờ là lễ hội ẩm thực. Đúng là một nỗi lo lớn".
Thậm chí, bạn đọc Leo còn chia sẻ câu chuyện bị dè bỉu chỉ vì thực hiện nghiêm quy định 5K: "Rất tiếc nhiều người lại không có ý thức phòng dịch. Tôi thực hiện nghiêm ngặt quy định 5K cho bản thân và gia đình từ năm ngoái đến giờ, vậy mà lại trở thành chủ đề mỉa mai của những người sống cùng khu phố, mặc dù tôi ở ngay giữa trung tâm thành phố. Thế mới biết ý thức, nhận thức và trình độ học vấn quan trọng thế nào. Rất tiếc, tôi lại sống ở nơi dân trí thấp và ý thức kém ngay giữa thành phố nên rất mệt mỏi".
"Đã từ hơn một năm nay, mỗi khi ra đường, với tôi, hành trang không thể thiếu là chiếc khẩu trang vải (do tôi bị dị ứng khi đeo khẩu trang y tế). Đi làm, đi siêu thị, ra công viên đi dạo... chiếc khẩu trang luôn được tôi đeo kín cả mũi lẫn miệng.
Thế nhưng tôi thấy bà con mình liều quá. Rồi sẽ có lúc khổ cả mình, khổ cả người nếu cứ mãi thiếu ý thức như thế này", độc giả Congdinh2016 lo ngại.
>> Nghỉ lễ ở nhà vì bài học Ấn Độ 'vỡ trận'
Tính từ 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận 920 ca nhiễm cộng đồng, trong đó 911 ca liên quan đợt dịch từ Hải Dương, Quảng Ninh, TP HCM, 9 ca liên quan dịch ở Hà Nam. Tổng số ca nhiễm tích lũy từ đầu dịch lên 2.914, số khỏi 2.516. Chuỗi lây nhiễm từ Hà Nam hiện đã lan ra Hưng Yên (2 ca), TP HCM và Hà Nội (đều một ca).
Nhấn mạnh sự nguy hiểm của tâm lý lơ là, chủ quan trong phòng dịch trong cộng đồng, bạn đọc Hoangphuvinh136879 chỉ rõ: "Bài học từ Ấn Độ vẫn còn đó. Có lẽ cái cảnh giành giật oxy chưa xảy ra nên mọi người chưa biết sợ và thiếu trách nhiệm với cộng đồng nơi mình sống. Các bạn có thể nhịn ăn vài ngày, nhịn uống một ngày hoặc vài giờ nhưng chúng ta không thể nhịn thở quá 2-3 phút. Virus Corona lại tấn công đúng vào tử huyệt này của chúng ta, đó là hai lá phổi. Khi phổi bị tấn công thì thần chết đã sẵn sàng đón bạn ngay. Mong mọi người hãy nâng cao cảnh giác và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng".
"Nhận thức của một số người Việt hiện nay theo kiểu 'làm gì mà khẩn trương vậy, có chết ai đâu?'. Có hai yếu tố hình thành ổ dịch bệnh là: virus lây truyền từ người sang người, và ổ bệnh do môi trường tự nhiên tạo ra. Những loại ổ dịch này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, khi phát hiện ra thì đã có một số lượng lớn người nhiễm bệnh rồi", độc giả Dong87655 cảnh báo.
Trong khi đó, đề xuất phương án nâng cao ý thức phòng dịch của người dân, bạn đọc Phong Quang cho rằng: "Xin đừng kêu gọi lòng tự giác mà hãy dùng lệnh cấm. Số đông người Việt giờ đây đã bắt đầu trở nên quá chủ quan. Mới vài tháng trước, cả thế giới đã ngạc nhiên vì dường như Covid không thể lây nhiễm ở Ấn Độ, và họ gần như đã đạt miễn dịch cộng đồng. Vậy mà tất cả đều sai hết.
Covid-19 đã âm thầm lây lan sâu rộng khi cả xã hội Ấn Độ mải vui chơi, lễ hội, tiệc tùng. Đó sẽ là bài học đắt giá cho cả thế giới, trong đó có Việt Nam".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.