(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Khi dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến nước ta, với sự chủ động, quyết liệt nhiều biện pháp phòng chống dịch đã được áp dụng. Trong đó, những biện pháp như hạn chế đi lại, tập trung đông người, giãn cách, cách ly xã hội... tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn chặn đại dịch nguy hiểm này.
Để động viên, cổ vũ cho mọi người, mọi nhà thực hiện nghiêm những quy định. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như các trang mạng xã hội tràn ngập những quan điểm đầy lạc quan như: "Đây là cơ hội để chúng ta sống chậm lại", "là lúc chúng ta cùng nhau gắn kết yêu thương"...
Thế nhưng, phía sau sự lãng mạn và bình yên đó là ngổn ngang những lo toan của biết bao nhiêu con người, nỗi lo về công ăn việc làm, nợ nần, cơm, áo, gạo, tiền... Chỉ có những người mà nói vui là "cứ mở mắt là có tiền" (nghĩa là họ có khoản thu nhập ổn định, bất luận hoàn cảnh nào). Hoặc những người có tích luỹ dư dả là còn có thể tận hưởng những khoảng chậm và lãng mạn của mùa đại dịch này. Còn với những người thuộc dạng "tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ" thì dịch bệnh còn kéo dài ngày nào là nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền lớn thêm ngày đó. Nói vui như cánh thợ hồ là cứ "sạch bay, sạch thước là sạch tiền".
Họ là những ai? Đó là những doanh nghiệp và người lao động không nằm trong nhóm các dịch vụ thiết yếu (khó có thể kể ra hết những đối tượng bị ảnh hưởng). Ngân sách vốn eo hẹp lại bị thất thu bởi dịch bệnh, liệu có thể hỗ trợ được bao nhiêu cho các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương bởi đại dịch này? Theo thống kê sơ bộ, con số có thể lên tới hàng triệu người. Mặc dù đã có gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng có lẽ chừng ấy cũng chỉ bù đắp được một phần rất nhỏ so với thiệt hại mà những đối tượng này đã và đang phải gánh chịu.
>> Những người khó tiếp cận gói cứu trợ Covid-19
Dĩ nhiên nếu dịch bệnh còn kéo dài, các biện pháp cách ly chưa được dỡ bỏ thì con số thiết hại chắc chắn sẽ càng tăng thêm. Liệu những nhà hảo tâm, những máy ATM gạo còn đủ sức cầm cự trong việc hỗ trợ người nghèo được đến bao lâu? Một điều cũng đáng lo không kém là trong số những người cùng khổ bị ảnh hưởng bởi đại dịch này, liệu có ai đó không giữ mình được mà "bần cùng sinh đạo tặc", sa vào những chuyện phạm pháp, hoặc ít nhất là vượt rào ra ngoài kiếm ăn?
Nói như nhà thơ Xuân Diệu "cơm áo không đùa với khách thơ". Dù có lãng mạn và lạc quan bao nhiêu, chúng ta cũng không thể quên được thực tại đầy khó khăn, thách thức với mỗi một cá nhân và rộng ra là cả đất nước, xã hội. Một chú gấu mập mạp to lớn, tích luỹ lượng năng lượng đủ nhiều có thể bình yên ngủ suốt cả mùa đông cũng không sao. Nhưng một chú chim sâu bé nhỏ có thể đuối sức nếu một ngày không kiếm được chút gì cho vào bụng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.