Hình ảnh hàng trăm người sống quanh khu vực hầm đi bộ Ngã Tư Sở (Hà Nội) tranh thủ tập thể dục vào cuối ngày mặc dù tổ bảo vệ chốt trực liên tục nhắc nhở, yêu cầu đi về, khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Đáng nói là đây không phải lần đầu những hành động thế này diễn ra tại thủ đô. Không ít lần người ta chứng kiến cảnh trèo tường, xé rào vào công viên để tập thể dục của người dân giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tôi tự hỏi phải chăng người ta không biết sợ?
Hơn một năm qua kể từ khi dịch bùng phát mạnh ở Việt Nam, tôi đã từ bỏ thói quen ra đường tập thể dục. Thay vào đó, tôi mua một chiếc thảm tập, ngày nào cũng trải thảm ở phòng khách, bật TV và tập theo mấy bài tập có sẵn trên Youtube, ấy vậy mà cũng hiệu quả bất ngờ. Từ plank, hít đất, chạy nhảy tại chỗ, yoga, thiền... hóa ra có vô vàn các bài tập trong nhà với đủ các tác dụng khác nhau mà trước giờ tôi chưa từng biết đến. Kiên trì và tập đều đặn mỗi ngày, sức khỏe của tôi không những không giảm sút mà còn cải thiện đáng kể kể từ lúc tập thể dục tại gia.
Thế nhưng, tôi không hiểu sao nhiều người vẫn cứ phải lao ra đường để tập thể dục khi đã có lệnh cấm tụ tập nơi đông người. Ra đường đi chợ lúc 6h sáng, tôi bắt cặp hàng đoàn người đi xe đạp, chạy, đi bộ, đứng tại chỗ tập thể dục bên đường... Dường như không mấy ai có vẻ gì là sợ hãi dịch bệnh, họ vẫn thong thả, thản nhiên như mọi ngày, trong khi người đeo khẩu trang xuống cằm, người nóng quá tháo cả ra, đeo lủng lẳng một bên tai đề phòng có lực lượng kiểm tra bất ngờ thì mới đeo lên chống chế.
Khi các khu vực như công viên, vườn hoa bị kiểm soát chặt chẽ hơn, không cho vào tập thể dục, nhiều người vẫn không từ bỏ, họ chuyển sang tập ngoài đường, chui xuống hầm đi bộ, hoặc bất cứ chỗ nào miễn là ở bên ngoài, thay vì chấp nhận ở nhà như khuyến cáo. Điều đó một mặt cho thấy tinh thần rèn luyện thể dục, thể thao của người Việt là rất lớn, tuy nhiên cố chấp lao ra đường để tập như thế này thì đáng trách hơn đáng khen.
>> Tôi sợ khi thấy người chạy bộ, tập thể dục đầy đường
Tôi thường hỏi vui mấy người hàng xóm của mình rằng: "Dịch dã mà không sợ à, sao vẫn liều ra đường thế?". Họ chỉ cười khẩy đáp lại: "Ở nhà mãi khéo còn chết trước khi bị dịch, ra đường hít thở không khí, tập tành nâng cao sức khỏe thì có sao đâu?". Đó, khi tư tưởng của người ta vẫn bó hẹp lại trong cái lợi ích cá nhân như vậy, thì chẳng bất ngờ khi đường phố những ngày dịch bệnh căng thẳng này vẫn không thiếu bóng người tập thể dục bất chấp.
Nhu cầu rèn luyện sức khỏe của mỗi người, tôi cho rằng rất chính đáng và đáng được ủng hộ. Nhưng tập thế nào để vừa khỏe mình, vừa không làm ảnh hưởng đến xã hội, cộng đồng mới là quan trọng. Tập thể dục không nhất thiết cứ phải xỏ giày, xách xe ra đường để thỏa mãn cái sở thích cá nhân, thời buổi bình thường mới thì con người cũng cần những phương pháp mới thay vì cố chấp với những thói quen cũ kỹ.
Thành phố chắc chắn không đủ nhân lực để đi giám sát từng công viên, vườn hoa công cộng để nhắc nhở và xử phạt người dân được. Trong khi biến chủng nCoV mới lại có khả năng lây qua không khí rất nhanh, vì vậy, chỉ cần một chút chủ quan sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Thêm một người nhiễm Covid-19 là hàng chục, thậm chí hàng trăm F1, F2 bị kéo theo, tình hình sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Do vậy hạn chế tối đa rủi ro, không ra ngoài khi không thật cần thiết lúc này là biện pháp tốt nhất mà chúng ta có thể làm để ngăn dịch bệnh lây lan.
Tôi hiểu quy định có thể gây phiền hà cho sinh hoạt của một số người, nhưng đây là lúc chúng ta nên cảm thông với nhà chức trách và hợp tác nhiều hơn là tìm cách lách luật, chống đối. Khi hàng nghìn y bác sĩ, chiến sĩ vẫn ngày đêm căng mình ở tuyến đàu để dập dịch, tại sao người dân chúng ta không thể hy sinh chút lợi ích cá nhân để "chung lưng đấu cật"? Tôi tin người Việt văn minh sẽ không ra đường lúc này chỉ để tập thể dục.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.