TP HCM vừa tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trong 14 ngày tới để phòng chống Covid-19 trước nguy cơ bùng phát dịch rất cao.
Thực tế, giãn cách là biện pháp hữu hiệu trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng cần tính toán lúc nào cần giãn cách. Đầu tàu kinh tế của cả nước đã đi qua ba mùa dịch khá nhẹ nhàng. Nhưng vào tháng hai năm ngoái, Bí thư Thành ủy TP HCM khi đó cũng đã phát biểu tại một cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố: "Nếu phải chăm sóc cho cỡ 1.000 người bệnh thì đó thật sự là một gánh nặng không nhỏ".
Đến trưa 15/6, TP HCM ghi nhận 923 ca nhiễm Covid-19. Như vậy, điều mà ông Nguyễn Thiện Nhân lo ngại một năm trước đã trở thành hiện thực chỉ trong chưa đầy ba tuần bùng dịch. Sức ép lên các cơ sở khám chữa bệnh và điều trị Covid-19 ngày một tăng, chưa kể các nơi cách ly cũng đang sắp chạm ngưỡng quá tải.
Trong tình thế đó, giải pháp giãn cách lần thứ hai liên tiếp bắt đầu từ ngày 0h 15/6 (lần đầu tiên từ ngày 30/5) là biện pháp bắt buộc phải thực hiện. Nếu không, TP HCM có thể trở thành một vùng dịch mất kiểm soát bởi đặc thù địa lý, xã hội, dân cư của thành phố rất phức tạp, kết hợp với biến chủng Delta của nCoV, thảm họa có thể xảy ra.
>> Những người không 'lãng mạn' mùa dịch
Giãn cách là biện pháp cứng hiệu quả, áp dụng khi các yếu tố kết hợp gây bất lợi cho quá trình chống dịch: nhiều ca nhiễm mất kiểm soát, năng lực thu dung điều trị của cơ sở y tế sắp vượt giới hạn, lực lượng y tế điều trị và y tế dự phòng thiếu... Ở các nước, việc giãn cách vẫn được áp dụng. Malaysia buộc giãn cách toàn quốc do số ca tăng nhanh. Thủ đô Jakarta và các tỉnh của Indonesia cũng đang cân nhắc tái áp dụng "chế độ hạn chế nghiêm ngặt" (trong đó có giãn cách xã hội).
Câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất lúc này là: Sau khi giãn cách lần hai, TP HCM có giãn cách tiếp không? Tôi theo dõi và thấy đa số những bình luận than vãn đều lý do kinh tế. Quả thật, năm ngoái, khi quyết định giãn cách toàn quốc hai lần, tất cả chúng ta đều còn sức gắng gượng vì còn tiền tiết kiệm. Nhưng đến năm nay, mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Nhiều người đã không còn tích lũy nên những lời ca thán ấy cũng dễ hiểu.
TP HCM có thể sẽ nâng hoặc hạ mức độ giãn cách đến phong tỏa nếu số ca tăng mới mất kiểm soát. Để cảnh báo cũng như chuẩn bị tâm lý cho người dân trước cuộc chiến dự báo còn kéo dài đến khi đạt miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng vaccine, chính quyền thành phố có thể xây dựng và công khai bộ quy tắc đến mức độ nào sẽ giãn cách theo chỉ thị 15, 16, 19 hoặc phong tỏa để người dân chủ động.
>> Tính kế cho người kinh doanh đóng cửa vì dịch
Jakarta cũng phân cấp các vùng nguy cơ theo các màu, trong đó màu đỏ là nơi có tỷ lệ sử dụng giường bệnh vượt 60%. Kế đó, phương án mở rộng cơ số giường bệnh cũng cần được tính đến để phòng tránh nguy cơ quá tải thu dung điều trị. Đó là các biện pháp tức thời. Nhưng trong tương lai, khi chúng ta cùng đi qua bốn đợt dịch thành công, chính quyền thành phố và ngành y tế cần đánh giá lại khả năng tự xét nghiệm, phân mức cách ly và điều trị tại nhà.
Ở Indonesia, y tế tại một số tỉnh điều trị bệnh nhân nguy cấp tại viện. Sau khi ổn hơn, họ có thể cấp bình oxy cho bệnh nhân về nhà. Đối tượng nhẹ được cấp thuốc điều trị ngoại trú. Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) cũng áp dụng mô hình này.
Về kinh tế, trong điều kiện cho phép của thành phố hoặc phải đề xuất với chính quyền trung ương những vấn đề đang còn khúc mắc của người dân, doanh nghiệp. Dòng tiền sau dịch có lưu thông tốt hay không dựa vào các quyết sách lúc này. Giảm lãi suất cho vay, hoãn nộp hoặc giảm thuế thu nhập, hỗ trợ giảm giá các mặt hàng thiết yếu, xây dựng các chương trình khuyến mại nhằm kích cầu... là những hoạt động thiết thực lúc này cũng như sau đợt dịch.
Covid-19 có thể còn kéo dài. Chúng ta cần đồng lòng chống dịch, giữ tinh thần lạc quan để hạn chế nguy cơ khủng hoảng tinh thần do dịch. Tiền bạc có thể kiếm lại nhưng sức khỏe thì không.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.