12 năm ăn học phổ thông, cộng với bốn năm trong trường đại học, nhưng đến khi tốt nghiệp ra trường lại về chạy xe ôm công nghệ làm nguồn sống, đó là lựa chọn của không ít bạn trẻ ở thời điểm hiện tại. Tôi tự hỏi, vậy họ tốn thời gian và tiền bạc để học cao làm gì?
Tất nhiên, nghề nào cũng là nghề, chẳng có nghề nào là thấp hèn hay đáng bị khinh rẻ, nhưng mỗi nghề với những đòi hỏi về chuyên môn khác nhau sẽ dành cho những đối tượng với trình độ cũng như cách nghĩ khác nhau. Ở đây không phải là chuyện nghề nào xấu - đẹp ra sao, mà là tầm nhìn của mỗi người về công việc mà mình lựa chọn để gắn bó lâu dài.
Có thể ban đầu, bạn đi làm chuyên môn, lương tháng chỉ 5-7 triệu đồng, thấp hơn chạy xe ôm công nghệ. Thế nhưng, nếu bạn đủ kiên trì để đi tiếp và cố gắng không ngừng nghỉ, tương lai sẽ rất khác. Biết rằng, chạy công nghệ chẳng cần bằng cấp, vẫn có thể đem lại cho bạn thu nhập lên đến 15 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, nếu làm công việc ấy, bạn lấy đâu ra ngày nghỉ, suốt ngày phải đem thân mình "bán" cho đường phố, liệu bạn sẽ trụ được bao lâu?
Cuộc sống vốn luôn khó khăn, vì thế mỗi người cần phải vươn lên. Nếu đã trải qua những năm tháng học hành vất vả, thì cơ hội để bạn phát triển chắc chắn sẽ cao hơn làm những công việc chân tay. Chỉ cần bạn cố gắng trong nghề nghiệp mình chọn, chắc chắn tương lai cũng sẽ ổn thôi.
Hai con tôi cũng cố gắng đi lên, phát triển từ nghề nghiệp mà chúng được đào tạo. Có thể, so với nghề xe ôm công nghệ, thu nhập của các con cũng chỉ ngang cánh tài xế chạy ngoài đường. Thế nhưng, bù lại, con có thời gian để nghỉ ngơi và làm nhiều việc khác. Công việc chỉ đòi hỏi các con tôi dành ra 8-10 tiếng mỗi ngày, được nghỉ hai ngày cuối tuần, vậy là lúc rảnh, con có nhiều thời gian cho các công việc khác nếu muốn.
>> Khi cử nhân đại học kéo nhau xuống đường làm shipper, xe ôm công nghệ
Tôi có người đồng nghiệp là kỹ sư cơ khí sau này lại thành IT giỏi trong một công ty lớn, hay người cháu là kỹ sư IT nay cũng thành giám đốc Sale... Thế nên, chuyện người chọn nghề không bằng nghề chọn người. Nhưng những trường hợp tôi kể phía trên đều là lựa chọn những công việc chuyên môn, tận dụng được những kiến thức, kinh nghiệm đào tạo trong các trường đại học.
Trong khi đó, với nghề xe ôm công nghệ, sẽ không phải một lựa chọn tốt nếu bạn tính dành cả đời để theo nghiệp này. Nếu đang có kiến thức, có trình độ, có bản lĩnh thì bạn chỉ nên chạy xe ôm khi mình rảnh, coi đó là công việc làm thêm để tăng thu nhập, có thêm niềm vui sau những giờ làm việc căng thẳng. Tuyệt đối, đừng lấy nó làm nghiệp chính của mình.
Tôi không coi thường những người chạy xe ôm công nghệ, nhưng tin rằng các bạn trẻ chỉ nên nghĩ về nó khi bạn không còn bản lĩnh phấn đấu trong nghiệp vụ chuyên môn, muốn sống trọn đời với nghề xe ôm công nghệ. Tất nhiên, mỗi người sẽ có một quyết định riêng và lựa chọn nào cũng có những rủi ro của riêng nó, nhưng với nghề xe ôm công nghệ, sẽ luôn là rủi ro lớn nhất vì nó liên quan đến an toàn giao thông và tính mạng của chính bạn. Chỉ cần sơ xảy một chút khi chạy xe ngoài đường, nhiều khi bạn sẽ chẳng còn cơ hội mà làm lại, lúc đó lại ngồi và tiếc nuối rằng "phải chi mình đi làm văn phòng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.