Trong quá khứ, khi thất nghiệp, tôi cũng từng chạy xe ôm công nghệ để có đồng ra đồng vào trong lúc chờ công việc mới. Và hiện nay, tôi vẫn đang chạy xe ôm công nghệ như một nguồn thu nhập thứ hai của mình. Với việc từng kinh qua ba hãng xe công nghệ khác nhau (có thể nói là phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay), tôi có thể khẳng định nghề này không "ngon ăn" như nhiều người lầm tưởng.
Thứ nhất, tính cạnh tranh cực kỳ cao. Bạn hãy thử tưởng tượng, một cái bánh khi chia cho hai người ăn thì mỗi người sẽ được phần nhiều, nhưng khi chia ra cho 20, 200, rồi 2.000 người thì mỗi người sẽ được bao nhiêu? Đó là thực trạng của nghề xe ôm công nghệ hiện nay, khi đây được xem là một nghề quá dễ làm, không đòi hỏi bằng cấp, nghiệp vụ, chỉ cần bạn siêng năng, có sức khỏe là làm được. Số lượng cuốc xe có hạn mà số tài xế thì ngày một đông và hệ quả cung vượt cầu là điều dễ thấy.
Thứ hai, người mới luôn được ưu tiên. Khi bạn vừa mới đăng ký chạy xe cho một app xe công nghệ, bạn sẽ được hãng ưu tiên phát cuốc xe rất nhiều, thậm chí có khi là bạn vừa xong một chuyến đã có liền chuyến tiếp theo để chạy. Nhưng rồi dần dần theo thời gian, khi bạn từ "ma mới" thành "ma cũ", tần suất nhận được chuyến của bạn sẽ ít dần, để nhường cho những người mới.
Và cứ như thế, vòng lặp tiếp tục mà bên nắm đằng chuôi chính là các hãng xe công nghệ. Họ thừa biết rằng họ sẽ không bao giờ thiếu tài xế nên chẳng phải lo chuyện các tài xế bị phân biệt đối xử. Cứ dạo qua các hội nhóm trên Facebook của các tài xế xe ôm công nghệ, các bạn sẽ không khó để bắt gặp các bài đăng về chuyện "ế đơn" của các tài xế lâu năm. Dĩ nhiên, nếu bạn chỉ chạy xe như một công việc bán thời gian, xem như một nguồn thu nhập thứ hai, làm khi rảnh rỗi, thì có thể sẽ không quá căng thẳng vì tình trạng này.
>> Ảo vọng của cử nhân chạy xe ôm công nghệ
Thứ ba, chi phí phát sinh khó lường. Một sinh viên mới ra trường thường chỉ được trả lương khởi điểm 5-7 triệu đồng nếu họ xin vào một doanh nghiệp, tổ chức chuyên môn nào đó. Trong khi đó, số tiền kiếm được trong một tháng chạy xe ôm công nghệ là không dưới 10 triệu đồng, rõ ràng công việc này được xem là "hái ra tiền", rất hấp dẫn với nhiều cử nhân. Nếu chỉ nhìn vào con số tiền kiếm được thì rõ ràng chạy xe ôm công nghệ vừa không tốn chất xám, mà lại có thu nhập tốt hơn, chưa kể còn được làm việc tự do, không gò bó...
Thế nhưng, phía sau những điều mà ai cũng thấy được kể trên, ít ai biết được rằng, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thực tế, không có thứ gì có được dễ dàng mà lại không phải đánh đổi cả. Để có được thu nhập không dưới 10 triệu đồng mỗi tháng như vậy, bạn phải bỏ ra không dưới 10 tiếng mỗi ngày chạy xe ngoài đường bất kể nắng mưa, và khi về nhà bạn sẽ chỉ muốn nằm vật ra giường vì quá mệt.
Còn đi làm công ty, tuy mức lương ít hơn, nhưng bạn có thêm thời gian (và sức khỏe) để theo đuổi đam mê, học thêm các kỹ năng mới, tìm kiếm thêm nguồn thu nhập ngoài hoặc nếu an phận quá thì ít nhất bạn cũng có thời gian ngồi tám chuyện với lũ bạn, dành thêm thời gian cho gia đình.... Chưa kể đến việc nếu chạy xe ôm công nghệ, bạn sẽ phải làm không ngừng nghỉ kể cả lúc ốm, vì nghỉ ngày nào là mất tiền ngày đó.
Tôi từng chứng kiến một bác "đồng nghiệp" sau khi bị té xe và được người dân giúp đỡ, đã chống xe lên chạy tiếp vì sợ không kiếm đủ tiền cho ngày hôm đó. Còn nếu làm công ty, bạn nghiễm nhiên có 12 ngày phép một năm theo Luật Lao động, lúc đau ốm hay muốn đi du lịch gì cũng thoải mái xin nghỉ mà vẫn nhận đủ lương.
Rồi chưa nói đến việc, khi chạy xe ôm công nghệ, tần suất phải sửa chữa, bảo dưỡng xe của bạn sẽ thường xuyên hơn và đó cũng là một khoản tốn kém không ít so với đi làm văn phòng, công ty. Đồng thời, việc ngồi xe liên tục cả chục tiếng đồng hồ mỗi ngày, liên tục ngày này qua ngày khác cũng ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của bạn về lâu dài và tiền thuốc men, chữa bệnh sẽ tiêu tốn tiền bạc của bạn. Vì thế, thu nhập 10 triệu hay thậm chí 12-15 triệu một tháng của nghề xe ôm công nghệ chưa chắc đã nhiều hơn so với 5-7 triệu khi đi làm công ty.
Nếu hỏi cánh tài xế xe ôm công nghệ full-time rằng họ có thật sự đam mê công việc đó không, hay chỉ vì cuộc đời xô đẩy nên mới phải bắt buộc chọn công việc này? Tôi tin các bạn sẽ có câu trả lời chính xác nhất cho thắc mắc liệu đây có phải "việc nhẹ lương cao" như nhiều người vẫn nói? Còn với riêng tôi, câu trả lời sẽ là công việc này rất tốt cho những ai không còn lựa chọn kiếm tiền nào khác hoặc đối với những ai đang cần một công việc phụ vào giờ rảnh rỗi. Còn nếu bạn có lựa chọn khác mà vẫn chạy xe ôm công nghệ như một nghề chính chỉ vì con số thu nhập nhất thời thì đó là một sai lầm rất lớn.
Như đã nói, bản thân tôi cũng đang là một tài xế xe ôm công nghệ bán thời gian, nên tôi không có ý chê bai bất kỳ đồng nghiệp nào của mình, vì dù sao, mọi công việc không vi phạm pháp luật đều đáng được trân trọng. Tôi chỉ hy vọng, với góc nhìn của một người đã có kinh nghiệm trong công việc này, các bạn trẻ, đặc biệt là những cử nhân mới ra trường, có thể hiểu rõ về những góc tối của nghề xe ôm công nghệ, để từ đó đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.