Theo một nghiên cứu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021, chỉ tính riêng một nền tảng xe công nghệ với khoảng 200.000 tài xế, 26% có trình độ từ cao đẳng trở lên. Khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội thực hiện với 400 tài xế công nghệ ở TP HCM cho kết quả 11% có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, 12% tài xế có trình độ đại học. Trong khi đó thu nhập của tài xế ngày càng giảm, nhiều người làm ngày đêm, không dám nghỉ ngơi, ăn ngủ trên xe mới đảm bảo được thu nhập sống được.
Bày tỏ quan ngại trước thực trạng cử nhân đi chạy xe công nghệ, shipper, độc giả Bình Luận kết lại: "Cuộc sống sinh viên xa nhà vốn bộn bề với nhiều khoản cần chi tiêu. Nhưng nhiều bạn muốn đời sống cao hơn do muốn bằng bạn bằng bè, nên đổ xô đi làm xe ôm công nghệ. Lúc còn trẻ khỏe, các bạn chưa thấy thấm vào đâu lại đều đều kiếm được vài triệu mỗi tháng nên khả năng bỏ bê học hành để chạy xe ôm là rất cao.
Rồi ngay cả nhân viên văn phòng, công nhân khu công nghiệp... bị cắt giảm lương vì dịch bệnh cũng đổ xô sang làm shipper cho thoải mái. Cùng với sự nở rộ của nghề này là một hệ thống giao thông này càng quá tải khi các tài xế lững thững đi giữa đường, vừa đi vừa bấm điện thoại để săn đơn, tới khi có đơn rồi thì cắm đầu cắm cổ chạy nhanh cho kịp giờ.
>> Ba tháng không đi xin việc vì 'nghiện' làm shipper
Hơn nữa, việc truy thu thuế của những tập đoàn đa quốc gia này là tương đối rắc rối nên có thể thấy việc nhiều người bỏ việc đi làm xe ôm công nghệ là một dấu hiệu rất đáng ngại. Nhưng mà nói đi cũng phải nói lại, việc lượng lớn lao động có trình độ đi chạy xe ôm công nghệ cũng một phần do thu nhập của họ không được đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp cắt gọt đủ thứ chế độ phúc lợi của nhân viên để không làm giảm doanh thu sau dịch nên người lao động mới chán làm công ty.
Hậu quả cuối cùng vẫn là nền kinh tế yếu kém do thiếu hụt lao động chất lượng cao. Tới một ngày nào đó, chúng ta sẽ thiếu hụt nhân lực do thanh niên chỉ muốn chạy xe ôm hoặc đi giao hàng kiếm tiền dễ hơn.
Cái chính là học hành ở Việt Nam bị ám ảnh điểm số và bằng khen ngay từ mẫu giáo rồi, nên tư tưởng học để lên lớp học để thi cử ăn sâu vào tiềm thức của bao nhiêu thế hệ suốt những năm học tiếp theo. Tới năm lớp 12, các em học sinh mới chợt nhận ra mình chẳng thích ngành nào nghề nào hay trường nào để mà đăng ký thi đại học, cũng chẳng biết nên học tiếp hay đi làm?
Ở các nước khác, đại học là nơi đào tạo những cá thể ưu tú, đủ sức kiến tạo tương lai. Còn ở ta đại học cũng chẳng khác phổ thông là mấy, người ta dạy cả người học xong ra làm giáo viên, bác sĩ; dạy cả người học xong đi xuất khẩu lao động; và dạy cả người học xong làm shipper, xe ôm công nghệ".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.