(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
12 tỉnh thành, bao gồm TP HCM và Hà Nội, có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao tiếp tục cách ly xã hội đến ngày 22/4. Tới nay, nước ta ghi nhận 268 ca và đã chữa khỏi được hơn 60% số người nhiễm virus. Thực tiễn chứng minh rằng chúng ta đang đi các bước phòng chống dịch đúng đắn và hiệu quả.
Vậy mà, hơn hai tuần qua, trong khi rất nhiều người dân đang "thắt lưng buộc bụng", thì một số khác còn lơ là, chủ quan khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Quá bức xúc, tôi gọi điện chia sẻ với vài người bạn.
Người thứ nhất nói với tôi: "Người nào khôn thì sống, dại thì thôi. Cứ cho mấy người dại ấy tự sanh tự diệt. Nghĩ làm gì nhiều cho mau già, cứ thực hiện tốt như chúng ta là được".
Người thứ hai khuyên tôi: "Bức xúc làm gì bạn ơi, vì một số người xưa nay có ý thức đâu. Tai nạn giao thông nhiều là thế mà ra đường có tuân thủ luật giao thông bao giờ? Chưa thấy quan tài, họ chưa đổ lệ đâu".
Người thứ ba lại phân bua: "Tôi cũng nằm trong thành phần đấy. Khó lắm bạn ơi, ở nhà cuồng chân nên phải chạy ra đường hít thở chút không khí, quan trọng là biết cách giữ khoảng cách".
Người thứ tư tặc lưỡi: "Khó tránh được vì nhiều người sợ đói hơn sợ dịch. Ở nhà thì lấy gì bỏ vào miệng?".
Những câu trả lời kia khiến tôi càng thêm suy nghĩ. Riêng bác cựu chiến binh gần nhà thì thở dài:
- Sức mạnh toàn dân là yếu tố quyết định trong cuộc chiến chống lại virus này. Nhưng nhiều cháu thời nay có biết thế nào là cuộc chiến đâu".
- Theo bác, chúng cháu phải như thế nào ạ?
- Đã là cuộc chiến thì những chiến binh không cho phép mình chủ quan một giây phút nào. Phải luôn sẵn sàng tâm thế chiến đấu, phải biết nắm bắt thông tin diễn tiến cuộc chiến một cách thông suốt và không được sợ hãi cũng như lơ là. Lúc nào cũng phải tỉnh táo và hơn hết thảy phải biết mục tiêu chiến đấu của mình là gì? Trong cuộc chiến này, mục tiêu của chúng ta là bằng mọi cách không để dịch bệnh lan tràn khi mà điều kiện y tế của đất nước còn hạn chế. Chúng ta không thể đi theo vết xe đổ như của Mỹ và một số nước châu Âu được. Sinh mạng của ai cũng quý giá cả.
Ngày trước bác ở dưới hầm chống địch, còn không biết ngày và đêm. Cuộc sống thiếu thốn tứ bề. Nhưng các bác vẫn không ngừng cố gắng vượt qua vì biết đấy chỉ là giai đoạn khó khăn tạm thời. Các bác luôn vững tinh thần chiến đấu vì mục tiêu giải phóng đất nước. Nghĩ đến ngày ấy, các bác càng nâng cao tinh thần thép tiếp tục cuộc chiến và sẵn sàng sống chết vì mục tiêu mình đã xác định.
Bác thấy các bộ đội và y bác sĩ bây giờ đang chính là những chiến binh thực thụ, không quản khó khăn thực hiện nhiệm vụ cao cả. Nhưng bên cạnh đó, nhiều cháu còn xem thường tính mạng mình và của người khác quá. Đơn cử như các cháu còn thiếu tinh thần kỷ luật cho chính bản thân mình. Biết là không đúng vẫn làm, biết sẽ có hậu quả không tốt vẫn làm, biết sai pháp luật cũng vẫn làm. Các cháu nghĩ yêu bản thân là chiều chuộng bản thân như thèm nhậu thì đi nhậu, thích gặp bạn cho đỡ buồn thì cứ tụ tập... Nhưng thật ra, yêu bản thân là cần xây dựng thói quen tốt và tính kỷ luật cho mình. Và đây cũng được xem là cuộc chiến với chính mình. Khi có được tinh thần kỷ luật ấy thì cuộc chiến nào cũng chiến thắng được, mục tiêu nào cũng đạt được.
>> Sống kỷ luật để ở nhà chống dịch không bí bách
Cuộc trao đổi làm tôi trăn trở rất nhiều. Quả thật, việc thực hiện giãn cách xã hội không đơn giản. Lúc đầu, tôi bí bách đến nỗi nghĩ mình không thể thực hiện được quá ba ngày. Tôi như bị trầm cảm, nhìn chú chim hót ngoài trời cũng ganh tị. Đã có lúc, tôi nghĩ đến việc phá đi lời cam kết với bản thân, rủ vài người bạn café chút cho khuây khỏa. Nhưng rồi, lại nghĩ đến những rủi ro của hành động này, tôi đành nhìn mây trời ngoài cửa mà hẹn với lòng "chờ dịch đi qua đã nhé".
Tôi nghĩ, nếu việc này chỉ ảnh hưởng mỗi một cá nhân mình thôi thì tôi đồng tình với quan điểm của các bạn tôi. Nhưng đến lúc này, đại dịch đã và đang lây lan qua nhiều nước và gây ra thảm họa kinh hoàng qua việc số lượng người nhiễm bệnh và chết tăng nhanh một cách báo động. Tôi không khỏi sốt ruột khi thấy một bộ phận người dân nhiều khi còn chủ quan, lơ là, thậm chí thiếu ý thức trong việc chấp hành các chỉ đạo. Điều này khiến nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá rất đắt.
Hơn bao giờ hết, tất cả chúng ta cần đồng lòng chung tay vào mục tiêu quan trọng nhất lúc này là phòng và chống dịch. Vì chỉ có vượt qua được đại dịch, chúng ta mới yên tâm sống và làm việc. Còn con người sẽ còn tất cả. Cuộc chiến cam go này vẫn đang còn tiếp diễn và tôi tin rằng bạn và tôi sẽ tiếp tục là những chiến sĩ quả cảm vì một ngày mai "an tâm - an toàn" cho đất nước.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.