(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới, sức lây lan và mức độ nguy hiểm thì không cần bàn tới nữa. Nhưng dường như chúng ta đang lẫn lộn giữa bệnh do nCoV và dịch Covid-19. Thực ra, nCoV cũng là một loại virus gây cúm và cũng gần giống với các loại cúm thông thường khác. Và bệnh do Covid-19 không nguy hiểm bằng HIV-AIDS, ung thư, suy tim... Người mắc bệnh do nCoV hoàn toàn có thể khỏi sau một thời gian điều trị. Thậm chí, những ca nhẹ có thể điều trị tại nhà nếu không xét đến khía cạnh lây nhiễm cộng đồng.
Cái chúng ta sợ là tốc độ lây lan của virus. Số lượng bệnh nhân bị các bệnh mãn tính là cố định hoặc rất ít thay đổi. Và chúng ta đã chuẩn bị trang thiết bị, nhân sự ứng phó. Nhưng số ca nhiễm Covid-19 thì hoàn toàn khác, hôm nay 100 ca nhưng một vài tuần sau có thể lên 10.000 ca hoặc cao hơn nữa. Và lúc đó chúng ta không thể điều trị cho số lượng tăng đột biến. Như phân tích ở bài trước, hậu quả thật khủng khiếp nếu dịch bệnh lan tràn tại nước ta.
>> Nên kéo dài thời gian cách ly xã hội sau 15/4?
Hai yếu tố cực kỳ quan trọng trong dịch tễ đó là không gian và thời gian. Không gian chính là dịch tễ tiếp xúc virus, đi từ vùng dịch... Đó là lý do tại sao người mắc và người tiếp xúc phải bị cách ly. Thậm chí, nếu không chắc chắn người nguy cơ thì phải cách ly nguyên cả vùng địa lý. Vấn đề thứ hai là thời gian, dịch bệnh thường xuất hiện ở một thời điểm nhất định trong năm vì lý do thời tiết, khí hậu. Cúm xuất hiện vào các mùa lạnh và giảm dần khi thời tiết nóng, ấm hơn. Covid-19 là một virus đặc biệt, có thể hoành hành và lây lan cả ở khí hậu nhiệt đới. Nhưng chúng ta, cũng nhận thấy rằng dịch ở xứ nhiệt đới yếu hơn các nước xứ ôn đới.
Dịch đã xảy ra ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, châu Âu, Mỹ... và chắc chắn nếu không có biện pháp mạnh tay thì dịch còn lan tràn hơn nữa ở các nước này. Nhưng không có nghĩa dịch xảy ra ở nước họ thì mức độ dịch (nếu xảy ra) cũng tương tự ở Việt Nam. Có được điều này là tùy thuộc vào sự chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng của Chính phủ và sự đồng lòng của nhân dân.
Với lực lượng nhân lực có sẵn, trang thiết bị y tế, kinh nghiệm chống dịch, và tình hình dịch như hiện nay thì có thể chấm dứt biện pháp "cách ly cộng đồng" được chưa? Đây là câu hỏi khó, làm đau đầu Chính phủ và biết bao nhà khoa học. Nhưng nếu chúng ta trả lời được chính xác câu hỏi này thì chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân.
>> 'Cách ly xã hội để truy tìm F0 hiệu quả'
Thuốc đắng dã tật nhưng đôi khi chúng ta chấp nhận bệnh còn hơn uống thuốc vì quá đắng. Ca nhiễm thứ 17, 34... đã làm cho cả nước phải lao đao. Rồi những biện pháp mạnh tay đã được đưa ra như cho học sinh nghỉ học, cách ly xã hội... Lòng yêu nước thì dân ta có thừa. Nhân dân sẵn sàng bỏ hết của cải, vật chất, hy sinh cả tính mạng, "đốt cháy cả dãy Trường Sơn" để chống giặc... Vậy thì chút hy sinh kinh tế nhỏ nhoi có thấm vào đâu? Nhưng chúng ta cần nghiên cứu kỹ để những hy sinh ấy là thật sự xứng đáng.
Chúng ta hãy nhìn việc chống dịch trên một góc nhìn khác: "Chống dịch tức là không để dịch xảy ra" chứ không phải "không còn ca nào mắc bệnh". Không một cuộc chiến nào mà bên thắng cuộc không bị thương vong. Chúng ta đã chống các dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy, sởi... theo cách ấy. Tất nhiên, nếu không ca nào mắc bệnh thì dịch sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng hai cách tiếp cận mang màu sắc, hành động và hậu quả rất khác nhau. Nếu là không để dịch xảy ra tức là vẫn có những ca nhiễm trong tầm kiểm soát như bị mắc tiêu chảy, sởi, thương hàn... Và như thế, cách chúng ta hành động sẽ hoàn toàn khác.
>> 'Gia hạn cách ly xã hội sau 15/4 là cần thiết'
Ở một thời điểm, khi dịch bệnh không thể kiểm soát, tôi hoàn toàn ủng hộ biện pháp "cách ly cộng đồng". Tình hình dịch hiện này chưa thể gọi là an toàn và chúng ta không được phép chủ quan, cần giữ nguyên tinh thần "chống dịch như chống giặc". Nhưng theo tôi, nên tiếp cận theo một cách khác là chuẩn bị trang thiết bị, nhân sự trong tình huống có thể xuất hiện nhiều ca mắc hơn, cố gắng không để dịch xảy ra, nhưng cũng nên cho dần những hoạt động xã hội trở lại trong tầm kiểm soát. Chúng ta không nên đợi cho đến khi không còn bệnh trong 14 ngày rồi mới rút lại "cách ly xã hội".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Định