(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Từ lúc đại dịch đến nay, luôn có một vấn đề hóc búa không chỉ đối với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới, đó là giữa chống dịch và kinh tế, nên ưu tiên cái nào? Hoặc phải xử lý thế nào cho phù hợp để vừa chống được dịch bệnh mà không làm tổn thất quá nhiều đến kinh tế. Xin lưu ý, khi nói đến kinh tế, không chỉ đơn giản là tiền bạc mà còn là việc làm, lưu thông hàng hóa, thu nhập... cả một vòng tuần hoàn khổng lồ với nhiều yếu tố gắn kết nhau chặt chẽ.
Ai đó nói rằng chỉ hy sinh một chút kinh tế, một chút tiền bạc là chưa hiểu thấu đáo vấn đề, chưa nhìn thấy cả một guồng máy hoạt động thế nào (cái này dính với cái kia, cái này không hoạt động sẽ kéo theo cái kia bị ảnh hưởng...). Tôi cho rằng, nếu là các chuyên gia trong lĩnh vực của mình (y tế hoặc kinh tế) đều có cái nhìn bình tĩnh, khách quan, không quá sợ hãi mà nghiêng về thái cực nào. Còn trong xã hội, nhiều người không có nhiều kiến thức chuyên môn nào nhưng lại luôn kêu gào cách ly, đóng cửa hàng tháng trời, bất kể ảnh hưởng kinh tế, ""nồi cơm"" của nhiều người ra sao?
Virus cũng như nhiều thứ trên đời này, có mặt mạnh thì cũng có mặt yếu. Kêu gào cách ly nhưng lại tụ tập nhậu nhẹt, hát hò thì có ích gì? Những thứ cần làm là hết sức bình tĩnh, ảnh hưởng không đáng kể đến kinh tế, chẳng hạn: đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách 2m, rửa tay thường xuyên, tránh gặp đám đông... Việc thực hiện những việc này có khó hơn là đi cách ly cả một xã hội rộng lớn, với đủ tầng lớp người và những hậu quả tiềm tàng có khi lớn hơn hiệu quả chống dịch?
>> Nên kéo dài thời gian cách ly xã hội sau 15/4?
Ai cũng muốn sống, người giàu hay kẻ nghèo cũng đều muốn sống tốt, sống khỏe. Nếu bạn có đủ điều kiện để ở nhà mà vẫn có cơm ăn trong vòng hai tuần hoặc hơn nữa thì xin chúc mừng bạn. Nhưng nhiều người vẫn đang phải dầm mưa dãi nắng, nuôi hy vọng có đồng nào hay đồng đó, để trả tiền mặt bằng, lãi ngân hàng, thuế má... Chẳng lẽ họ không sợ bệnh tật sao?
Tôi thấy có nhiều sáng kiến rất đáng khen, vừa duy trì được việc kinh doanh, vừa đảm bảo phòng dịch cho chính bản thân mình và cho khách hàng, như: ông chủ tiệm phở ở Tân Phú chế ra ròng rọc, mấy quán giao hàng vạch cự ly 2m cho shipper... Phần lớn người kinh doanh đều có ý thức về dịch bệnh và đang cố gắng buôn bán cầm hơi để sống qua ngày. Thật thiếu công bằng khi phê phán họ mà không xét đến hoàn cảnh khó khăn mà họ đang phải đối mặt từng ngày. Trên đất nước này, số người phải lo bữa ăn từng ngày không phải là ít.
Tôi nghĩ 14 ngày cách ly là quãng thời gian đủ và vừa sức chịu đựng của rất nhiều người trong xã hội, việc kéo dài thêm e rằng sẽ vượt quá giới hạn và khả năng của phần đông người dân. Dịch bệnh là điều đau đầu, nhưng không ai biết nó sẽ kéo dài bao lâu? Và liệu chúng ta có đủ sức để cách ly mãi theo nó?
>> Cách ly xã hội 'trong tầm kiểm soát'
Ngay cả các cường quốc kinh tế cũng "điêu đứng" nếu phải trợ giúp cả triệu người không việc làm. Một đất nước khỏe mạnh là khi tất cả người dân có việc làm, tự lo được cho bản thân mà không dựa vào cứu trợ xã hội. Đất nước cũng còn nhiều việc khác phải lo như quốc phòng, an ninh, bệnh nhân bệnh khác chứ không chỉ mỗi bệnh nhân Covid-19. Do đó, hãy để người dân trở lại cuộc sống bình thường với sự cẩn trọng cần thiết trong thời điểm khó khăn này.
Với những biện pháp đã tiến hành trong nhiều tháng nay, tôi tin Việt Nam có đủ kinh nghiệm, khả năng để giữ dịch bệnh trong tầm kiểm soát và giờ là lúc để người dân chia sẻ khó khăn với chính quyền.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.