>> Bạn đang ở nhà chống dịch như thế nào? Làm thế nào vượt qua khó khăn để đồng lòng cùng đất nước chống dịch Covid-19? Chia sẻ bài viết, video, ảnh chủ đề 'Tôi ở nhà' tại đây.
- "Alo, bạn thế nào"?
- "Tôi ngáp ngáp bạn ạ. Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của tôi. Trường tôi cho nghỉ chống dịch rồi. Chán vô cùng! Cảm giác bí bách cứ như ở tù. Tình hình này kéo dài chắc tôi trầm cảm quá"...
Bạn tôi nói một tràng khi tôi vừa trả lời cuộc gọi của cô ấy cách đây hai tháng. Cô ấy gọi tôi thường xuyên và luôn lặp đi lặp lại một điệp khúc về cuộc sống tẻ nhạt khi không được đi ra ngoài, không có gì để làm, không được uống cafe với bạn bè, không được mặc những bộ cánh lộng lẫy đi du lịch để chụp hình và ‘sống ảo’... Cô ấy hỏi tôi sao có thể ở nhà mà không buồn chán vì "bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội".
Rồi cách đây 10 ngày, cô ấy gửi cho tôi một tấm ảnh chup lại một bức tranh vẽ cảnh khung trời qua ô cửa sổ mà cô ấy vừa hoàn thiện. Cô ấy nói với tôi: "Lâu rồi đã quên mất mình có khả năng vẽ. Giờ có thời gian tập trung cho điều mình thích, thật là thú vị.".
Tôi nhắn lại: "Thế còn quên khả năng gì nữa thì lục lại đi nhé".
Hôm sau đó, tin nhắn đến từ cô ấy là một món bánh tai vạc nhân tôm thịt mà cô rất yêu thích: "Tôi làm đấy, không ngờ ngon phết". Cô bảo tự mày mò trên mạng rồi làm để giết thời gian và cũng bảo đảm an toàn thực phẩm cho cả nhà.
Bây giờ, cô ấy nói với tôi rằng đang học online về những gì cô ấy quan tâm và thậm chí còn tổ chức dạy học trên mạng mặc dù trường của cô ấy chưa có phương thức dạy trực tuyến đồng bộ cho học sinh. Ngoài ra, cô ấy còn bán một số loại bánh tự làm. Cô bảo: "Ở nhà cũng tốt. Tôi được làm rất nhiều thứ mà bấy lâu nay chưa có thời gian đầu tư".
Câu chuyện của bạn tôi khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Hầu như chúng ta đều sợ sự thay đổi, đặc biệt là những thay đổi có tính tiêu cực. Sợ bệnh tật, sợ nghèo, sợ già, sợ xấu, sợ thất nghiệp, sợ ế, sợ cô đơn và... sợ Covid-19. Mà chắc vẫn còn có một số ít người không sợ virus, vì nếu sợ, họ có lẽ đã tìm mọi cách tránh cho bản thân bị nhiễm bệnh và lây lan cho người khác thay vì dửng dưng như không, than thở khi cuộc sống bị gò bó. Nhưng có lẽ, một trong những điều đáng sợ nhất chính là đánh mất tính kỷ luật của bản thân.
Cô bạn tôi có một thời gian đầu suy nghĩ tiêu cực như vậy nhưng cuối cùng đã vượt qua nhờ tính kỷ luật cao: ở nhà nhiều nhất có thể. Đơn giản vì cô ấy không cho phép bản thân mình bị nhiễm virus. Cô ấy bảo tôi rằng: "Sao phải chờ được khuyên răn thì mới làm? Bản thân mỗi người nên tự nhận thức được điều ấy và tự thực hiện trước hết là bảo vệ cho chính mình được an toàn. Đó mới gọi là yêu thương bản thân đúng nghĩa".
Đây chính là mục đích chính mà xã hội và nhà trường luôn dạy dỗ các em học sinh: phải biết tự giác, tự chủ và chịu trách nhiệm cho hành động của mình và cộng đồng. Hơn nữa, người lớn không làm gương thì thế hệ trẻ sao mà học theo được? Cô ví von việc không tuân thủ theo những gì được khuyến cáo y như việc học sinh của cô sao chép, xem tài liệu trong giờ kiểm tra vậy...
Tôi còn thấy cô bạn tôi có niềm tin vào việc cô đang làm, dù lúc đầu sự thay đổi khiến cô mất phương hướng. Điều đó giúp cô tìm ra đường đi phù hợp với hoàn cảnh của mình: con đường vừa có cả "tính thực tế lẫn lãng mạn". Đó là thích nghi với sự thay đổi mà cô ấy đang trải qua như Charles Darwin từng nói: "Loài sống sót sau cùng không phải là những loài mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là những loài có thể thích ứng với sự thay đổi tốt nhất".
Cuối cùng, việc "ở nhà nhiều nhất có thể" chỉ là "giãn cách xã hội" về mặt khoảng cách địa lý, chúng ta vẫn luôn có thể kết nối và tương tác với nhau dù ở bất kỳ đâu. Sự gần gũi đồng điệu về tâm hồn và lý tưởng sống vẫn không thể vì Covid-19 mà bị phá hủy, phải không các bạn?
Phan Lê Hải Ngân