Đồng tính với kiến nghị 'giải pháp chi tiết hơn, tính đến yếu tố địa phương' về cách ly xã hội, độc giả Tùng Nguyễn Hữu chia sẻ bài học từ các nước trên thế giới:
Tôi đồng ý với nội dung: "Đối với việc cách ly xã hội, các ý kiến trong Ban chỉ đạo cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, tính đến yếu tố địa phương, các nhóm trong xã hội, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đồng thời Việt Nam cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để truy vết, giám sát các ca bệnh và việc thực hiện cách ly xã hội".
Ngoài ra, chúng ta cần học tập các nước như Đài Loan:
Các trường học chuẩn bị kỹ, cho học sinh đi học lại, nhưng phải đo thân nhiệt học sinh:
- Nếu trên 37 độ C: Gọi phụ huynh đến đưa đi khám chữa bệnh.
- Nếu một lớp có một em nhiễm bệnh thì đóng cửa lớp đó và tẩy trùng toàn trường.
- Nếu một trường có từ hai em nhiễm bệnh thì đóng cửa toàn bộ trường đó để tẩy trùng, dập dịch.
Hay như ở Áo:
- Nới lỏng từ từ: các cơ sở kinh doanh, sản xuất nhỏ có biện pháp quản lý chặt chẽ.
- Các tụ điểm đông người như: rạp hát, phòng tập Gym, cơ sở tôn giáo phải đóng cửa cho đến khi hết dịch bệnh.
Ở Trung Quốc:
Phát hành mã QR Code kiểm soát dịch bệnh:
- Người có bệnh hoặc nghi có nguy cơ nhiễm bệnh (F1): Thẻ màu đỏ - không được phép ra ngoài.
- Người có tiếp xúc với F1 (F2, F3, F4...): Thẻ màu vàng - hạn chế đi lại.
- Người có giấy chứng nhận âm tính Covid-19: Thẻ màu xanh - được phép đi lại".
>> Nên kéo dài thời gian cách ly xã hội sau 15/4?
Cũng đồng tình với kiến nghị nới lỏng cách ly xã hội theo địa phương, bạn đọc Louis nếu quan điểm:
Tôi thấy nên xem xét yếu tố địa phương vào quyết định cách ly xã hội. Nếu địa phương nào trong vòng 14 ngày đổ lại không có ca nhiễm bệnh mới thì nên bỏ cách ly đối với địa phương đó. Riêng với những địa phương đang bị dịch như Hà Nội, Hạ Lôi, TP HCM... thì nên tiếp tục cách ly cộng đồng. Nếu mạnh tay thì cách ly địa phương luôn. Những địa phương không có ca nhiễm nên cho trở lại hoạt động thường nhật để giảm gánh nặng kinh tế.
Độc giả Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt nói thêm: "Yếu tố địa phương ở đây, theo tôi, là mật độ dân số, tập quán sinh hoạt sản xuất (ví dụ như sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, rau đơn chiếc; hay đi làm công nhân đông đúc trong nhà máy, xí nghiệp...), mức độ giao thương, du lịch, thương mại, tôn giáo tín ngưỡng... để có thể có những quy định riêng đặc thù vùng miền sao cho hợp lý nhất, để mọi người vừa chống dịch, vừa không ảnh hưởng đến sản xuất, làm việc".
Đồng quan điểm ủng hộ việc xem xét các yếu tố địa phương trong cách ly xã hội, bạn đọc Đỗ Xuân Dũng chia sẻ:
"Đề nghị vẫn cách ly xã hội nhưng tập trung ở những tỉnh mật độ dân cư cao, có nguy cơ dễ trở thành ổ dịch. Còn lại các tỉnh chưa có ca mắc hoặc đang khống chế tốt thì cho nới lỏng cách ly, vẫn phải mang khẩu trang và cấm tụ tập đông người nhưng vẫn cho mọi người đi làm việc, chỉ hạn chế qua lại giữa các tỉnh với nhau".
Trong khi đó, độc giả Vi Nguyen cũng nhấn mạnh chỉ nên nới lỏng thay vì gỡ bỏ hoàn toàn giãn cách xã hội sau ngày 15/4:
"Nếu có nới lỏng cách ly xã hội tiếp 15 ngày nữa, tôi xin góp ý như sau: Thống kê cho những công ty, cơ sở sản xuất hoạt động trở lại, nhưng phải giữ khoảng cách, tránh tụ tập, họp lại với nhau, và vé số tiếp tục ngừng phát hành cho đến ngày 30/4. Về phía các nhà hàng, quán xá ăn uống, vẫn cấm ngồi ăn tại chỗ, chỉ đem giao hoặc mua thức ăn về nhà. Có như vậy thì sau 15 ngày nữa, dịch bệnh mới mong kiểm soát được giữa các tỉnh thành phố với nhau. Nếu hết ngày 15/4 mà không có biện pháp ngăn chặn thì nguy cơ tái phát khó lường trước".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Thành Lê tổng hợp