Chia sẻ quanh câu chuyện "có nên kéo dài thời gian cách ly xã hội sau 15/4?", độc giả Văn Minh chia sẻ quan điểm ủng hộ:
"Khó khăn thì đã khó khăn rồi, nhưng nếu chưa an toàn thì chưa nên dỡ cách ly vì chỉ cần một vài ca không kiểm soát là sẽ vỡ trận. Như vậy nền kinh tế không giảm sút nữa mà sẽ thảm bại. Bản thân tôi đã phải bán ôtô để trang trải từ Tết, sắp tới chắc sẽ phải cầm nhà để lo tiếp, nhưng vẫn chấp nhận nếu dịch chưa qua thì nên cách ly tiếp. Sợ nhất là làm được vài ngày lại có ca lại cách ly thì thảm bại hơn. Còn dịch đã qua thì phục hồi kinh tế không khó khăn lắm, trong cái khó sẽ ló được cái khôn. Nhưng khi đã vỡ trận về bệnh dịch thì không còn ló được cái gì hết mà chỉ có thất bại".
Đồng quan điểm trên, bạn đọc Phước nhấn gánh nặng xã hội khi dịch bùng phát còn lớn hơn nhiều những thiệt hại kinh tế do cách ly xã hội gây ra:
"Đây là một quyết định đau lòng nhưng phải quyết tâm. Hiện tại, các ca bệnh đã vào cộng đồng nên việc hoạt động xã hội lại sẽ càng khó khăn hơn. Tôi dám chắc chi phí chữa bệnh và gánh nặng xã hội khi ca bệnh lây lan trở lại sẽ còn lớn hơn nhiều lần so với việc thiệt hại kinh tế do đóng cửa. Tôi rất cảm thông do chính mình cũng bị ảnh hưởng nặng, nhưng vẫn ủng hộ việc nới dài thời hạn cách ly xã hội".
Trái với những suy nghĩ trên, độc giả Đơn giản nhưng khoa học lại có cái nhìn khác về vấn đề kéo dài thời gian cách ly xã hội:
"Nhiều người có cái nhìn ngây ngô khi cho rằng Việt Nam sản xuất nhiều lúa gạo nên không thể chết đói được khi dừng hoạt động kinh tế. Có bạn còn cho rằng chúng ta có ATM gạo, có chỗ phát gạo, mỳ tôm, cứu đói... Đúng, những việc làm tốt như vậy rất đáng được nêu gương. Nhưng đó chỉ ở phạm vi nhỏ, dành cho những đối tượng nhất định mà thôi (người già, neo đơn, khuyết tật...). Một xã hội vận hành lành mạnh là khi mọi người đều có việc làm, đều có thể tự lo cho bản thân mình, gia đình mình, chứ không thể trông chờ vào cứu trợ xã hội. Gạo có nhiều đấy, nhưng không có tiền thì sao mua? Tiền ở đâu? Do buôn bán, đi làm mới có. Tôi không nghĩ lòng tự trọng sẽ còn khi mà tình hình kéo dài và bao tử luôn kêu réo mỗi ngày. Đó là những sự thật chua chát, nhưng đừng nhắm mắt làm ngơ. Nếu bạn ổn, tốt thôi! Nếu bạn có thể cầm cự 2-3 tháng, quả là điều tuyệt vời giữa lúc dầu sôi lửa bỏng. Nhưng không phải ai cũng được như thế".
>> 'Kéo dài cách ly xã hội theo vùng miền'
Cùng chung nhận đinh, bạn đọc Lttam66 nhấn mạnh những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế nếu tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội:
"Theo tôi không nên tiếp tục cách ly toàn xã hội sau 15/4, chỉ nên cách ly theo vùng dịch, ổ dịch. Hiện nay, mọi người dân đều có đủ thông tin và biết hướng dẫn cách phòng chống bệnh, họ sẽ tự biết chăm sóc tốt bản thân. Ngoài ra, số ca nhiễm mới rất ít và số người khỏi bệnh tăng cao. Cần chú ý nếu cách ly toàn quốc lâu dài sẽ tác động nghiêm trọng đến kinh tế xã hội của Việt Nam trong tương lai".
"Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ tình hình dịch diễn biến khó lường. Dễ nhất là phong tỏa, cách ly từng vùng ở Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ. Dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Tăng cường kiểm soát biên giới. Cảnh báo người dân Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ đề phòng cảnh giác về dịch và khuyến khích các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sát trùng tay khi ở nơi công cộng, siêu thị... Riêng kinh doanh quán bar nên tạm dừng. Nếu không đến khi thế giới đã hết dịch thì Việt Nam mới hết dịch thì khổ cả triệu dân", độc giả Nguyễn Thành Trung bổ sung thêm.
Nói về những giải pháp cách ly xã hội trong thời gian tới, độc giả Khanh Le chia sẻ:
"Thời gian vừa qua, chúng ta đã kiểm soát và truy vết các ca nhiễm tốt. Một số trường hợp phát sinh lo lắng lây nhiễm mạnh trong cộng đồng cũng đã không xảy ra như những suy diễn. Do đó, theo tôi chỉ cần tuyên truyền duy trì việc đeo khẩu trang khi đi đến nơi công cộng, rửa tay sát khuẩn, kiểm soát thân nhiệt khách hàng là đủ. Ví dụ có xảy ra trường hợp có ca phát bệnh trong cộng đồng cũng khó lây lan, do mọi người đã có thực hành tốt việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Ngoài ra, nếu có khu vực nào bùng phát thì cách ly riêng khu vực đó, cái này chúng ta cũng đã có kinh nghiệm xử lý. Trong thời gian này vẫn duy trì tạm ngưng nhập cảnh, hoặc nếu có nhập cảnh thì cách ly tập trung 14 ngày. Từ nhận định trên, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin để duy trì hoạt động bình thường sau ngày 15/4 giống như Đài Loan đã kiểm soát dịch thành công".