Gia đình tôi đang ở trong một căn nhà nhỏ. Ngoài ra, chúng tôi cũng có một dãy năm phòng trọ cho thuê. Vì cũng tính xây nhà ở và cho thuê tạm thời nên chúng tôi cũng không đầu tư mới các phòng. Và cũng do ở khu vực này thu nhập người dân thấp nên nếu đầu tư quá lớn sẽ làm giá phòng cao, khó cho thuê.
Sau rất nhiều vụ cháy trong các năm qua, vợ chồng tôi đã quyết định dừng việc cho thuê phòng trọ lại và tập trung xây nhà to hơn để ở. Miếng đất của chúng tôi diện tích 175 m2 (ngang 7 m, dài 25 m). Sau rất nhiều đắn đo về an toàn cháy nổ và nghĩ để con cháu sau này có sân chơi, vợ chồng tôi quyết định xây nhà trên diện tích phân diện tích 81 m2 (4,5 x 18 m), một trệt và không lầu, ba phòng ngủ. Phần bếp rộng ra 6,5 m như hình chữ L, một bên giáp hàng xóm. Như vậy, nhà tôi có ba mặt thoáng: phía trước, sau và bên hông.
Tôi thiết kế nhà có ba cửa chính ở mặt trước, bên hông và bếp, cùng với hệ thống nhiều cửa sổ. Về cơ bản, theo tính toán của chúng tôi thì thiết kế như vậy rất an toàn khi không may xảy ra cháy nổ vì tạo nhiều lối thoát hiểm. Về mặt công năng, thiết kế đó giúp căn nhà của tôi đặc biệt rất thoáng và mát. Tuy chỉ là nhà cấp bốn nhưng tôi cũng khá đầu tư nội thất. Chủ thầu còn nói đùa rằng "ngang với biệt thự mini".
Phía trước nhà, tôi để một sân rộng đủ đậu xe hơi và sân chơi. Bên hông nhà cũng có khoảng sân 2,5 m để lấy gió và thoáng mát. Đằng sau nhà, tôi chừa khoảng 2 m theo quy định của nhà nước.
>> Tôi không biết chạy đi đâu khi nhà cháy
Hiện tại, với tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, tôi tạm thấy khá yên tâm với ngôi nhà của mình. Vì ít nhất, khi sự cố xảy ra, chúng tôi sẽ có ba lối thoát hiểm là ba cửa chính ở các hướng khác nhau. Nhiều người hay thắc mắc với tôi rằng "sao không xây lầu?". Thực ra, lúc đầu tôi cũng tính xây thêm lầu nhưng vợ tôi cản vì "xây rộng không ở hết mà còn thêm nguy cơ cháy nổ, trộm cắp đột nhập...".
Đúng là sau khi xây xong nhà, mặc dù không có lầu, nhưng phòng khách và một phòng ngủ chúng tôi cũng hầu như để không, chẳng mấy khi dùng. Cả nhà đa số sinh hoạt ở phòng bếp và hai phòng ngủ còn lại. Về tài chính, nhờ việc không xây lầu mà tôi cũng nhẹ gánh, không hết quá nhiều tiền (nằm trong khả năng chi trả của hai vợ chồng).
Tôi cũng bỏ qua định kiến khi làm cổng chính thẳng với đường lộ và cửa bếp, vì nhà tôi ở ngay ngã ba. Nhờ đó, khi nấu ăn, vợ tôi có thể quan sát thấy người bên ngoài nếu họ muốn vào nhà. Bên hông rộng và dài, con tôi có thể đạp xe chạy vòng quanh và tôi cũng có chỗ trồng hoa, cây cảnh. Buổi tối, chúng tôi có thể thảnh thơi ngồi ngắm trăng. Cuối tuần, cả nhà lại kéo ra vườn uống cà phê, nghe tiếng gió, chim hót và ngắm cỏ cây, hoa lá.
Tuy nhiên, vì là ở ngoại thành nên mỗi ngày tôi tốn một tiếng đi tới văn phòng và một tiếng về để trở về. Nhưng dần dần rồi cũng quen, tôi thường pha cà phê mang theo hoặc mua dọc đường. Vừa lái xe, tôi vừa nghe nhạc, vừa nhăm nhi cà phê. Tôi cũng chưa từng gặp tắc đường, có chăng chỉ là kẹt xe, đi chậm một chút ở một, hai điểm.
Bù lại, vợ con tôi có được không gian yên tĩnh để sống. Tôi có buổi tối và hai ngày cuối tuần thảnh thơi và yên ắng. Đến giờ, tôi đúc kết được rằng "nhà không cần to, chỉ cần đủ ở, tiện nghi, không cần chen chúc trong nội thành chật chội, và nhất là phải an toàn, tránh làm quá tay mà gánh nợ".
- Sắm búa tạ để thoát thân khi cháy nhà
- Tôi tự tháo chuồng cọp chung cư để mở đường sống
- 'Đánh cược mạng sống khi lắp lồng sắt chống trộm'
- Nhiều người lắp 'chuồng cọp' vì nghĩ hỏa hoạn sẽ trừ mình ra
- Tư duy 'chuồng cọp'
- Nhà phố kín như chuồng cọp - tự khép lại cửa sống