Lo ngại trộm cắp, trẻ nhỏ rơi xuống và muốn gia tăng diện tích sử dụng, nhiều gia đình ở Hà Nội thường không làm lối lên mái và rào kín ban công bằng khung sắt, lưới thép. Khi xảy ra cháy nổ, người trong nhà không thể thoát ra, người bên ngoài khó chữa cháy, cứu nạn.
Lý giải về thói quen lắp chuồng sắt bịt kín ban công, cửa sổ của nhiều người Việt, độc giả Lam Chi Tinh cho rằng: "Người dân làm lồng sắt cũng có lý do chính đáng của họ. Đã rất nhiều vụ trộm leo tường vào nhà dân từ những tầng cao để lấy cắp tài sản. Thậm chí, khi bị phát hiện, chúng đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Thế nên, không tránh khỏi việc người dân phải phòng thân trước bằng việc bịt kín ban công, cửa sổ bằng lồng sắt. Theo tôi pháp luật cần phải đưa ra thêm biện pháp đối phó với tội phạm trộm cắp để người dân an tâm bỏ 'chuồng cọp'".
Đồng quan điểm, bạn đọc Jose Mourinho nhấn mạnh: "Xử phạt đột nhập trộm cắp quá nhẹ nên vấn nạn này cứ tái diễn suốt. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân phải tốn kém làm lồng sắt tự bảo vệ, nhưng cũng là tự làm nguy hiểm cho cả nhà khi có rủi ro hỏa hoạn. Chưa kể, khi trộm đột nhập, nếu gia chủ phát hiện thì có thể bị kẻ gian ra tay sát hại khiến gia đình nạn nhân thêm khốn khó. Tóm lại, để tránh kiểu lồng sắt này thì chúng ta nên trừ tận gốc các vụ đột nhập trộm cắp bằng luật thật nghiêm minh. Có như vậy thì mới làm kẻ gian chùn tay, răn đe những kẻ bất lương lười lao động".
"Người dân làm khung sắt bởi vì tâm lý bất an. Chứ đâu ai dại gì mất tiền làm rào quanh căn hộ để rồi khi hỏa hoạn xảy ra thì chính hàng rào ngăn trộm lại là bít lối thoát thân chính mình. Giải pháp là từng khu phố cần tăng cường gắn camera an ninh, dân phòng tuần tra. Sau đó mới đến giải thích người dân tháo khung rào cho thông thoáng, vì an toàn cho cả gia đình, hoặc lực lượng cứu hỏa dễ tiếp cận chữa cháy", độc giả An ninh nói thêm.
>> Chạy đi đâu khi quán karaoke bị cháy?
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, cho rằng việc làm lồng sắt ngăn trộm không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại, bạn đọc Linh Le nhận định: "Tôi xây nhà năm 2019, toàn bộ cửa sổ không hề có lưới sắt. Một phần do con tôi đã lớn, cũng biết nhận thức rồi. Mặt khác, giờ tôi tiêu tiền điện tử nhiều, tiền mặt trong nhà không còn mấy nên không lo mất trộm. Tội phạm trộm cắp giờ cũng không bê TV, tủ lạnh, máy giặt đi nữa vì chẳng bán được bao. Có chăng, chúng chỉ lấy vài đồng tiền lẻ trong ví, điện thoại, laptop... Vì thế, tôi chọn cho mình cơ hội tháo chạy khi có sự cố thay vì đánh đổi tính mạnh chỉ để chống trộm".
Ủng hộ quan điểm không lắp "chuồng cọp", độc giả Khanh Hoa Trinh bình luận: "Không chỉ chung cư, mà nhà phố cũng thường bị bít kín, không chừa lối thoát hiểm khi có hỏa hoạn. Hầu hết nhà phố là vách liền vách và tường sau nhà liền với tường nhà khác, lối ra vào duy nhất là cửa trước, mà bên ngoài lớp cửa sắt lại còn lắp thêm một lớp song sắt, cổng sắt nữa thì chạy đường nào? Đã không chừa lối thoát, mà bên trong còn sử dụng bếp ga (bình ga) và để xe chặn cửa nữa thì khác nào tự bịt đường sống của mình và gia đình".
"Tôi không nghĩ trộm cắp giờ còn lộng hành vậy đâu. Cái quan trọng là nhiều gia đình thành thị muốn tăng thêm diện tích sử dụng. Chứ an ninh Hà Nội, TP HCM đâu phải thích vào nhà dân trộm là được. Mọi người nên bỏ lồng sắt đi vì mất của còn kiếm lại được, chứ mất người là ân hận cả đời", bạn đọc Nguyen Cong Doan bổ sung.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế lối thoát hiểm phòng khi có hỏa hoạn, sự cố, độc giả Thanh Hà kết lại: "Muốn làm lồng sắt hay gì cũng được, nhưng chỉ cần có thiết kế lối để thoát hiểm. Có tính toán trước thì mọi chuyện đều dễ dàng. Với thiết kế lồng sắt này không chỉ chữa cháy, nhà ống thường thông gió từ phía đằng trước, nếu nhà có giếng trời thì gió sẽ thông liên tục từ trước ra sau rất tốt cho không khí trong nhà, nhưng mở cửa ra thì trộm sẽ leo vào, vì thế thiết kế lồng sắt sẽ mở cửa bất kỳ lúc nào, thậm chí cả đêm ngủ giúp không khí lưu thông, bớt khí độc tích tụ trong nhà. Nhà ống nên chừa hẳn giếng trời phía sau cùng, kết hợp với lồng sắt phía trước trồng các loại cây leo. Có điều kiện có thể đầu tư lối thoát hiểm kết hợp giếng trời luôn là tốt nhất".
Việt Thành tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.