Đến thời điểm này, vụ cháy chung cư mini ở Quận Thanh Xuân, Hà Nội, cướp đi sinh mạng ít nhất 56 người vẫn gây bàng hoàng cho những người dân tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Gia đình tôi cũng đang sinh sống tại khu vực Quân Thanh Xuân, cách hiện trường vụ việc thương tâm kia chỉ hơn hai km. Kể từ khi vụ việc xảy ra, tôi thấy câu hỏi "lối thoát nào khi xảy ra hỏa hoạn?" luôn thường trực trong mỗi bữa cơm, mỗi cuộc trò chuyện của các gia đình hàng xóm xung quanh mình.
Ngồi trước TV, lặng người theo dõi các chương trình thời sự đề cập đến vụ cháy tại chung cư mini vừa qua, vợ tôi bất giác quay qua hỏi: "Nếu không may nhà mình xảy ra hỏa hoạn, lúc đó phải chạy đi đâu để thoát thân nhỉ?". Câu hỏi bất ngờ của vợ khiến tôi sững người mất vài giây. Chúng tôi không ở chung cư mini, nhưng cũng đang sống trong một căn nhà mặt đất dạng ống, diện tích 30 m2 xây năm tầng. Nhà trong ngõ ngách sâu, bề ngang 2 mét, chỉ vừa cho hai xe máy tránh nhau chứ ôtô không vào được. Thế nên, nếu có xảy ra cháy, lực lượng cứu hỏa có muốn vào dập lửa cũng là cả một vấn đề nan giải.
Nhà của tôi cũng giống như hầu hết các căn nhà phố ở Hà Nội: chỉ có một lối ra vào là cửa chính, ba mặt còn lại xây kín tường nhà bên cạnh, không có lối thoát hiểm nào khác. Các cửa sổ phía mặt trước nhà và trên sân thượng cũng được dựng song sắt bịt kín để chống trộm. Cầu thang duy nhất trong nhà để chúng tôi di chuyển giữa các tầng được đặt ngay dưới giếng trời nên rất hút gió, nếu có cháy chắc chắn khu vực này sẽ tràn ngập khói. Chúng tôi cũng để xe máy, xe đạp điện ở dưới tầng một, chắn ngay trước cửa ra vào.
Với thiết kế như vậy, đặt giả sử nếu không may xảy ra hỏa hoạn, và nguồn lửa xuất phát từ nơi để xe và bịt kín lối thoát hiểm, xem như chúng tôi hết đường thoát. Lựa chọn duy nhất của gia đình tôi khi đó có lẽ chỉ là chạy lên tầng thượng, tìm cách phá song sắt và nhảy ra ngoài. Nhưng ở độ cao như vậy, ai mà biết đường chúng tôi còn toàn mạng khi nhảy xuống dưới?
>> 'Quy định phòng cháy chữa cháy cứng nhắc'
Thực tế, thiết kể như nhà tôi rất phổ biển ở Hà Nội, nơi đất chật người đông, nhà cửa san sát, chủ yếu là nhà ống không lối thoát hiểm (vì xung quanh xây kín). Người ta xây nhà cũng thường chỉ quan tâm tới việc chống trộm (kín cổng cao tường, lắp chuồng cọp) chứ chẳng mấy ai để ý đến việc thoát hiểm khi có cháy. Nhưng thay đổi kiểu thiết kế này cũng không đơn giản vì đặc điểm địa lý không cho phép.
Chuyện lắp hệ thống báo cháy, chưa cháy tự động, thậm chí là bình cứu hỏa cũng là điều quá xa xỉ với người dân. Cũng một phần vì pháp luật cũng mới chỉ có quy định phòng cháy chữa cháy với các công trình lớn chứ hộ gia đình cá nhân thì chưa. Vậy là không ai bảo ai, người ta cứ xây nhà theo kiểu độc đạo như thế và quên đi rủi ro khi xảy ra cháy nổ. Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ ngồi chờ quy định thì mới làm?
Nhìn lại căn nhà của mình, tôi mường tượng ra cái cảnh vợ chồng con cái tìm đường chạy thoát thân khi có cháy, và thực sự cảm thấy nỗi lo cùng đường hiện hữu hơn bao giờ hết. Tôi hiểu rằng, chỉ mình mới có thể tự cứu mình trong hoàn cảnh ấy. Nếu không sớm có phương án dự phòng, chúng tôi xem như cầm chắc phần thua trong cuộc chạy đua với giặc lửa.
Có lẽ ngay ngày mai, tôi sẽ đi mua một số dụng cụ thoát hiểm khi xảy ra cháy như mặt nạ chống khói độc, bình chữa cháy, đồ bảo hộ, thang dây... Dù không hy vọng sẽ dùng đến chúng, nhưng ít nhất đó cũng là một thứ để chúng tôi bám víu vào trong tình huống bất ngờ. Tôi cũng sẽ trổ khung cửa từ các song sắt để mở thêm một đường sống cho mình và gia đình. Và quan trọng hơn, tất cả chúng tôi sẽ phải thay đổi thói quen sử dụng các thiết bị điện, ý thức hơn trong việc đề phòng cháy nổ, để không đưa mình vào thế đối mặt với tử thần.
Tất nhiên, một mình gia đình tôi thay đổi cũng không thể đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nhìn những người hàng xóm xung quanh đang đau đáu với cùng câu hỏi "chạy đi đâu khi nhà có cháy?", tôi tin chúng ta sẽ không còn ngồi yên bị động. Sẽ còn rất lâu nữa, những hình ảnh tang thương về vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ mới có thể vơi đi, nhưng tôi mong những người còn sống, tôi và bạn sẽ cùng chung tay và hành động ngay từ bây giờ, để những sự việc tương tự không còn xảy ra nữa.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.