Trong vòng một tuần, tại TP HCM và Hà Nội liên tiếp xảy ra hai vụ cháy nhà lớn, gây thiệt mạng hơn 10 người. Nhiều độc giả VnExpress cho rằng, nguyên nhân chính đến từ việc thiết kế nhà phố vẫn theo kiểu chuồng cọp, không có lối thoát hiểm:
Ngày trước, tôi chưa có tiền mua nhà, phải đi thuê nhà trọ trong một khu nhà tầng. Tầng một, hai để chủ nhà ở, các tầng trên cho thuê trọ, tầng nào cũng có ban công nhưng hàn kín chuồng cọp. Tôi góp ý cần phải làm cửa thoát hiểm nhưng họ không nghe vì sợ trộm. Giả sử cháy nhà để xe tầng một thì tôi chắc chắn tất cả sẽ bị hun khói. Thành phố giờ có quá nhiều "chuồng cọp", đó chính là tử huyệt khi có hỏa hoạn.
Nhà nào cũng kín cổng cao tường lo sợ trộm cắp thì khi thiên tai vô thường ập đến, không ai có thể giúp đỡ hay can thiệp được. Đến tầng tum mà cũng hàn kín thì sao có lối thoát hiểm. Tỷ lệ trộm cắp của cả nước trên một trăm triệu dân có đáng để mọi người đánh đổi an toàn tính mạng mình như vậy không? Làm vậy là mọi người tự khép cửa sống của mình lại.
Mọi chuyện đều có thể xảy ra mà không ai lường trước được, nhưng ý thức phòng chống cháy nổ cũng cần được học, được tuyên truyền. Chúng ta cũng có những quy định về mật độ xây dựng và việc phòng cháy chữa cháy. Nhưng thực thế, có rất nhiều nơi xây dựng đúng bản vẽ, xin phép rồi, khi thi công lại tự ý cơi nới, phủ kín diện tích đất. Điều này vô hình tạo thành một "cái bẫy" cho chính chúng ta. Khi có biến cố xảy ra, người bên ngoài muốn tiếp cận để ứng cứu cũng không thể. Hãy vì chính mình và những người xung quanh mà thực hiện nghiêm túc những quy định, tiêu chuẩn; thường xuyên kiểm tra và bảo trì hệ thống gas, điện... trong nhà.
Rất nhiều nhà ở Viêt Nam xây hai bên sát vách, tường sau cũng sát với nhà hàng xóm... không có lối thoát nếu hỏa hoạn xảy ra ở phía trước. Tiêu chuẩn nhà ở bên Mỹ là phải có cửa trước, cửa sau, cửa garage và ít nhất một cửa sổ tại mỗi phòng (phòng khách, phòng ăn, phòng bếp và các phòng ngủ). Phải có khoảng cách giữa nhà hai bên và nhà phía sau. Như vậy, nếu xảy ra hỏa hoạn, dù bạn ở phòng nào cũng có thể thoát ra ngoài bằng cửa sổ, nếu không thể chạy ra cửa trước hoặc sau.
Hầu hết các ngôi nhà, kể cả những nhà trên phố, đều chú trọng đến vấn đề chống trộm mà không tính đến hoặc coi thường chuyện thoát người khi có hỏa hoạn. Nhà ống, chỉ có một lối ra duy nhất, mà thường là phía ngoài hay để xe máy - một trong những tác nhân, nguyên nhân gây cháy. Tôi từng nói với nhiều gia đình chuyện này, họ nhận ra nhưng hầu hết không làm gì cả. Có người mua thêm bình chữa cháy nhưng thực ra không giúp được gì nhiều khi mà đám cháy xảy ra trong lúc mọi người đang ngủ. Rất tiếc là chúng ta sẽ còn phải thấy những chuyện đau thương thế này rất nhiều lần nữa.
Về Việt Nam thăm gia đình, họ hàng, tôi sợ nhất là nhà nào tối ngủ cũng khóa cửa bên trong bằng hai, ba ổ khóa rất chắc. Mà chủ nhà nào cũng có một chùm khóa thật to. Tôi cảnh báo cháy nổ, mất điện không cách gì tìm ra khóa, mở được cửa, nhưng không ai quan tâm. Vợ chồng tôi đến ngủ đêm nhà nào, cũng nhìn trước sau để nếu có gì còn biết đường chạy. Vậy nên tôi hay bị chê nhát như thỏ. Mà không nhát sao được khi thấy chủ nhà hút thuốc trong mùng.
Các bạn xây nhà nên chú ý khoản này, nhà ở các thành phố thường xây theo kiểu đóng lại (tức chỉ có một đường ra vào duy nhất). Thường thì xây kiểu vậy, phòng khách ở mặt trước, các vật dụng sinh hoạt dễ cháy nổ như TV, quạt, bàn ghế... tập trung, nếu kinh doanh thì có hàng hóa. Xây quá kín tuy tránh được trộm nhưng chập điện, xì hơi gas sẽ rất nguy hiểm lại không thông thoáng, gây áp lực lên môi trường sống.
Đơn cử như vụ cháy nhà vừa rồi: nhà phong bế, cửa ra vào một lối duy nhất, có thể là lửa bắt nguồn từ phía phòng trước (phòng khách) rồi lan ra phía sau, gặp vật liệu dễ cháy khiến gia chủ không thoát ra được. Nếu như có ban công phơi đồ phía sau có lẽ không gây ra tình trạng thương tâm như thế.
>> Sai lầm trong thiết kế, thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy
Nói về những biện pháp phóng chống hỏa hoạn tại các thành phố lớn, không ít độc giả gợi ý:
Trong thành phố, nhà đấu đuôi với hàng xóm ở phía sau thì làm sao tạo lối thoát hiểm ở đó được? Nhưng có thể chừa thêm một khoảng giếng trời nhỏ ở phía sau, có thể được ngăn kín với bên trong nhà khi có hỏa hoạn để ra đó ẩn náu nếu không còn khả năng thoát ra nào. Theo tôi, khi thiết kế nhà, nên làm một mái che di động ngay giếng trời (thường là khu vực cầu thang) có thể mở ra bằng tay khi có hỏa hoạn. Giếng trời được mở ra sẽ làm cho khói thoát ra nhanh hơn, khói sẽ không tích tụ trong nhà gây ngạt. Đối với nhà cấp bốn cũng vậy, cũng nên có mái che di động ở giữa nhà cho trường hợp khẩn cấp; đồng thời có thêm thang để thoát hiểm. Nếu mặt bằng rộng thì có thể chừa ra thêm một giếng trời nhỏ hơn ở sau nhà để làm nơi ẩn náu. Khoảng giếng trời này được cách lý hoàn toàn với căn nhà bởi bức tường, và các cửa của tường phải được đóng kín khi có hỏa hoạn.
Tôi nghĩ đã tới lúc đưa các chương trình tuyên truyền về an toàn phòng khi có hỏa hoạn cho người dân, để họ luôn hiểu khi xây nhà hay phòng ngủ cần có lối thoát hiểm dự phòng, không thể để kiểu một nhà - một cửa độc đạo ra vào. Thêm vào đó, cần dạy các cách thoát hiểm khi ở trong tình huống tương tự, bởi tôi nghĩ, các nạn nhân trong vụ cháy có thể còn khỏe mạnh, hoàn toàn có thể phá tường hoặc phá mái tôn phía sau để tìm cách thoát ra ngoài, vẫn có hy vọng hơn là chỉ đứng la hét kêu cứu.
Đây là lời cảnh báo cho mọi người về việc phòng ngừa và chuẩn bị các phương án thoát hiểm khi hỏa hoạn. Một số điều chúng ta nên làm:
- Lắp đặt hệ thống báo khói, báo cháy thông minh trong nhà.
- Xây dựng cải tạo nhà ống, nhà phố nên chừa khoảng trống phía sau, làm thang sắt dựng đứng sát tường để thoát hiểm lên sân thượng hoặc mái nhà. Nếu phía trước nhà có ban công thì không nên che kín hoàn toàn. Các cửa chính bị khóa thì nên để chìa khóa gần cửa dễ lấy để khi gấp gáp có thể tìm thấy chìa ngay.
- Trang bị các bình chữa cháy mini và thường xuyên kiểm tra xem còn xài được không.
- Không để bất kỳ vật dụng nào nhất là rèm cửa sát với các ổ cắm điện, thiết bị điện đang hoạt động.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.