Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an TP HCM, số vụ cháy tại khu dân cư đô thị chiếm hơn 63%. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP HCM đã xảy ra 63 vụ cháy, trong đó có 44 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện và sơ suất, bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt.
Một nửa số vụ cháy trong đó xảy ra tại các căn nhà vừa ở vừa kinh doanh theo kết cấu nhà ống (chỉ một lối ra vào, không có cửa thoát hiểm). Trong khi đó, theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, dạng nhà ống tại thành phố chiếm tỷ lệ hơn 40%. Điều đó đủ cho thấy mức độ rủi ro, xảy ra hỏa hoạn ở nhà phố lớn đến mức nào?
Thực tế, kết cấu nhà ống là phù hợp với mật độ dân cư tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn là ở nước ta, việc cấp phép xây dựng vẫn còn khá lỏng lẻo, chưa có quy định cụ thể về mặt phòng cháy chữa cháy. Đáng lẽ ra, với các khu nhà ống, luôn phải có một con hẻm ở phía sau. Mục đích là để tạo lối thoát hiểm và độ thoáng cho nhà ở đô thị.
Tuy nhiên, hiện nay do giá đất quá cao, "tấc đất, tấc vàng", nên hầu như ai cũng tận dụng tối đa không gian để xây thêm diện tích sàn, bít kín hết các lối thoát hiểm. Phần lớn nhà mặt phố đều chỉ có một lối ra vào duy nhất ở mặt tiền, nhưng lại bị ngăn lại để làm chỗ kinh doanh. Trong khi chẳng có không gian để trổ cửa sổ vì nhà mọc lên san sát nhau.
Mong rằng các cơ quan ban ngành xây dựng tăng cường làm các video hướng dẫn phương án làm cửa thoát hiểm để giúp người dân hiểu và thay đổi nhận thức trong việc phòng tránh rủi ro. Bên cạnh đó, cũng cần sớm thay đổi quy định pháp luật liên quan đến thiết kế xây dựng nhà ở tại các thành phố, đô thị, đẩy mạnh yếu tố thoát hiểm khi xảy ra sự cố (phải có tối thiểu hai lối thoát nạn - có thể là ban công, nhà hàng xóm, sân thượng, qua mái, công trình lân cận...). Có như vậy mới mong giảm bớt những vụ hỏa hoạn thương tâm như thời gian qua.
>> Nhà phố kín như chuồng cọp - tự khép lại cửa sống
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện những nhà dân đang trong tình trạng chưa đảm bảo an toàn cháy nổ, mới chỉ có một lối thoát nạn để có phương án điều chỉnh, yêu cầu chủ hộ tăng thêm lối thoát nạn cho gia đình mình. Mỗi gia cũng phải chủ động tự lên phương án xử lý khi có sự cố cháy nổ trong nhà mình, ví dụ thoát nạn ra bằng lối nào, xử lý tình huống trong đêm ra sao, gọi trợ giúp ở đâu...?
Bên cạnh đó, thiết nghĩ, cũng cần thực hiện yêu cầu mỗi gia đình tự chuẩn bị các thiết bị cứu nạn cơ bản trong nhà như bình chữa cháy, mặt nạ dưỡng khí, túi cứu hộ... Hiện nay, chúng ta mới chỉ chủ yếu áp dụng các quy định này tại các cơ sở kinh doanh, tuy nhiên vẫn mang tính hình thức và thiếu kiểm tra, giám sát. Nếu mở rộng ra quy định cho tất cả các hộ gia đình, tôi tin sẽ có thêm cơ hội sống sót cho người dân.
Hàn kín tầng tum theo kiểu các "chuồng cọp" với mục đích bảo đảm an ninh, tăng diện tích... là "bệnh" cố hữu ở các căn nhà cũ và thậm chí là những ngôi nhà cao tầng vừa xây mới. Cách làm này dù có phần hiệu quả trong phòng, chống trộm nhưng lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn phòng cháy, chữa cháy. Vì thế, theo tôi, chúng ta cần kiên quyết xóa bỏ hoàn toàn những "chuồng cọp" kiểu này để hạn chế mất mát về người trong các vụ hỏa hoạn.
Các cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, khuyến cáo, nhưng tư duy "chuồng cọp" phòng trộm của dân ta vẫn không dễ gì xóa bỏ được, nên những vụ việc đau lòng vẫn tiếp tục tái diễn. Do đó, cần có những biện pháp mạnh tay hơn, thậm chí đưa vào luật để xử lý tận gốc sự tồn tại của những "chuồng cọp" bịt đường sống đang mọc lên trên khắp cả nước.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.