"Nhà tôi có cửa hậu để phơi quần áo, bao bọc tất cả các phía là nhà hàng xóm. Tôi luôn có cái thang nhôm xếp gọn, để khi cháy phía trước thì bắc thang leo lên mái nhà tắm sẽ thoát qua ba bên nóc nhà hàng xóm. Cửa trước có sân vườn rộng rãi, nhưng tôi vẫn sợ, đặt ra giả thiết cháy bít cả cửa trước, cửa sau thì hai mẹ con chạy đi đâu?
Và năm 2014, khi xây nhà, tôi tự thiết kế toàn bộ phía trên không gian phòng khách và phòng ngủ sẽ là một gác to đổ trần giả, trổ cửa sổ ra phía nhà bếp, công trình phụ. Vì tôi thiết kế nhà lợp hai mái, một cửa sổ nhỏ kính cường lực. Tôi luôn dặn con gái, nếu cháy trước thì con chạy ra sau bắc thang thoát thân; nếu như cháy cả trước lẫn sau thì con chạy lên lầu, mở cửa sổ thoát lên mái bếp và chạy được sang nhà hàng xóm".
Đó là chia sẻ của độc giả Thanh Thanh về giải pháp đề phòng hỏa hoạn của gia đình mình sau vụ việc đau xót - cháy phòng trà khiến sáu người tử vong ở TP Vinh (Nghệ An) đêm 15/6. Câu chuyện phòng chống cháy nổ ở các căn nhà mặt đất vốn luôn là chủ đề gây nhức nhối thời gian qua sau khi cả nước xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn thương tâm, gây thiệt hại về người và của. Điểm chung của hầu hết các vụ việc này là căn nhà đều được thiết kế không có lối thoát hiểm, khi lửa bùng lên, các nạn nhân bên trong không kịp tìm đường chạy thoát thân.
Cũng sinh sống trong một căn nhà mặt đất, bạn đọc Tân chia sẻ kinh nghiệm của bản thân: "Nếu có sẵn cái búa tạ và một cái thang nhôm rút là các nạn nhân đã có thể thoát dễ dàng. Nhà tôi luôn thủ sẵn hai thứ đó từ hàng nhiều chục năm nay (tôi là dân văn phòng). Riêng cái búa tạ, tôi mua loại 5kg vừa đủ để phá tường (bông sắt cửa sổ hay khóa cửa không thành vấn đề) và để dưới sàn nhà ngay đầu nằm giường ngủ, trong cơn hoảng loạn chỉ cần thò tay xuống là lấy được, không phải đi tìm đâu cả.
Đây còn là vũ khí để tự vệ khi nhà tôi có kẻ gian đột nhập lúc nửa đêm. Cái thang nhôm rút dùng để trèo xuống hẻm, nếu không xuống được do lửa ở phía dưới quá lớn thì tôi cũng có thể bắc thang lên mái, trổ nóc nhà để chạy sang nóc nhà bên cạnh. Trường hợp mái nhà đúc thì có thể phá tường, trổ sang nhà bên cạnh để tìm lối thoát thân".
Trong khi đó, với những kiến thức và kinh nghiệm phòng cháy chữa cháy có được sau nhiều năm, độc giả Cosotriviet3 gợi ý: "Ngày xưa tôi làm mảng viễn thông, tiếp xúc trực tiếp từ tổng đài, viba, chuyển mạch, truyền dẫn, nguồn AC, DC... nên công tác phòng cháy chữa cháy đã ngấm vào máu. Tôi xin chia sẻ vài phương án ít tốn kém sau:
1. Cần thợ chuyên nghiệp tư vấn lắp đặt nguồn điện.
2. Lắp đặt hệ thống báo cháy tự động và test thử hằng tháng.
3. Tùy thiết kế từng nhà mà sắm các thiết bị chữa cháy phù hợp: bình cứu hỏa, búa tạ, bao bố tời (hoặc chăn), một cuộn dây buộc, đèn pin... phải sử dụng thuần thục. Và cuối cùng không hàn bít cửa nhà".
>> Nhà phố kín như chuồng cọp - tự khép lại cửa sống
Khi điều tra nguyên nhân các đám cháy, bên cạnh những lý do khách quan khó lường, chúng ta cũng thường gặp lại một số nguyên nhân quen thuộc như: không lắp đặt hệ thống báo cháy hoặc hệ thống báo cháy không hoạt động. Đặc biệt, một thực trạng phổ biến là đa phần các nạn nhân đều lúng túng và làm lãng phí thời gian ít ỏi vì không được trang bị đầy đủ các kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy.
Độc giả Quang Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắp đặt hệ thống báo cháy tại các hộ gia đình: "Không có hệ thống cảnh báo nên có khi nạn nhân bị ngạt trước khi phát hiện ra có cháy, hoặc khi mở cửa cầu thang thì khói đã bao trùm rồi. Nhà tôi luôn gắn một số cảm biến khói ở các nơi dễ cháy, loại này dùng pin (loại pin khá đắt). Khi có khói như kho cá bị cháy thôi là cảm biến đã hú còi báo động và tự mở cửa cuốn (cửa có bộ lưu điện) để chủ nhà thoát thân".
Ở khía cạnh khác, bạn đọc Chip cô đơn nhận định việc chỉ trang bị bình cứu hỏa mini gần như không có mấy tác dụng với các gia đình: "Tôi thấy nhiều nhà dùng mặt tiền kinh doanh các thứ dễ cháy như xốp, hóa chất nhưng chỉ trang bị mấy bình chữa cháy mimi. Nếu đang nửa đêm mà có cháy thì dù họ có thức dậy cũng không làm gì được. Tôi thấy nhiều tòa nhà ở những nơi không thể trang bị ống nước cứu hỏa, họ sẽ khoan và treo những quả cầu chữa cháy hình quả trám. Loại này sẽ tự động xịt khi nhiệt độ trong phòng vượt quá nhiệt độ quy định nếu gắn nhiều quả thì nó còn hiệu quả gấp nhiều lần bình chữa cháy mà giá lại rất rẻ (chỉ vài trăm ngàn đồng một quả). Tôi nghĩ các gia đình nên sử dụng".
Tái khẳng định sự cần thiết phải trang bị hệ thống phòng cháy cho mỗi hộ gia đình, độc giả Vũ Minh chia sẻ: "Rất nhiều lần tôi đã bình luận chia sẻ, mọi người lưu ý: nhà mặt đất thì khoảng 58% là có lối thoát hiểm (ban công, cửa sau, sân thượng...), 42% là không có lối thoát hiểm. Nhưng thực tế, cũng rất nhiều vụ cháy mà nhà có lối thoát hiểm vẫn bị thiệt hại về người. Lý do là khi nạn nhân nhận ra có cháy thì quá muộn, chạy ra lối thoát hiểm không kịp. Nên theo tôi, có ba điều đặc biệt quan trọng:
1. Hệ thống báo cháy tự động: chỉ một đốm lửa nhỏ, um khói một chút là hệ thống đã có chuông báo để chủ nhà hay biết, lúc đó sẽ có rất nhiều thời gian để xử lý tại chỗ.
2. Khóa cửa phía bên trong nhà không nên dùng chìa khóa mà dùng loại nút vặn hay chốt gài để mở cho nhanh khi có sự cố.
3. Lối thoát hiểm, nếu nhà không có lối thoát hiểm thì để sẵn búa tạ để đập tường hay cửa sổ... mà thoát hiểm".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.