Cảm giác tảng đá đè lên lồng ngực mình suốt ba năm qua đã được gỡ bỏ. Những ai từng vay ngân hàng dù ít hay nhiều sẽ hiểu được điều này.
Tôi chính là nhân vật trong bài viết "12 năm ở nhà thuê Sài Gòn vì không muốn sống cảnh nợ nần" cách đây 3 năm. Từ một người không muốn "mắc nợ", tôi chọn mua căn hộ khi có trong tay 3/4 số tiền, 1/4 còn lại "làm bạn" với ngân hàng dự kiến trả trong 8 năm.
Kế hoạch tài chính là vậy, tuy nhiên sau ba năm tôi đã trả hết. Về nhà mới, cuộc sống ổn định, vợ chồng tôi sinh con thứ hai. Tôi lựa chọn làm thuê cho chính mình, mục tiêu đặt ra là vừa đảm bảo thu nhập vừa dành thời gian chăm lo cho hai con nhỏ, vợ vẫn chăm chỉ hằng ngày đi làm văn phòng.
Nhờ sự chịu thương, chịu khó nên mỗi năm chúng tôi tiết kiệm 400 triệu đã trừ hết các sinh hoạt phí. Sau khi mua nhà, nợ vặt còn khá nhiều nhưng trong vòng một năm hơn những khoản nợ đó được trả hết sạch.
Tôi có một thói quen chỉ dùng tiền mặt hoặc chuyển khoản, tuyệt đối không mua sắm trả góp, mua hàng online, không sử dụng các loại thẻ tín dụng. Nghe qua có vẻ lạc hậu ở giữa thành phố nhưng chính điều đó không dẫn tôi đi vào thói quen chi tiêu quá tay, mua sắm không kiểm soát, đặc biệt không vướng các bẫy tài chính vô hình.
Thêm một bài học về dùng tiền, gần 6 tháng sau khi mua nhà, tháng 12/2020 tôi mua thêm một chiếc xe hơi cũ 400 triệu để phục vụ công việc kinh doanh và đi lại nhưng sau 18 tháng tôi quyết định bán đi vì thấy đó là tiêu sản.
Thời điểm bán, cũng là lúc nền kinh tế có dấu hiệu lao dốc, với quyết định hoàn toàn đúng đắn, tôi lấy số vốn đó dành cho đầu tư phát triển kinh doanh. Làm trong lĩnh vực truyền thông, tiếp xúc nhiều nhưng tôi không uống trà ,cà phê, hút thuốc lá, la cà nhậu nhẹt, có gặp gỡ tiếp khách, uống bia với bạn bè 3-4 lần/ tháng, cả gia đình đi du lịch mỗi năm hai lần.
Vậy mà tôi thấy vui khỏe, ngoài thời gian chủ yếu dành cho công việc, nghiên cứu kiến thức chuyên môn (tự học) và tìm cơ hội phát triển bản thân, tôi không có thú vui nào khác, đó cũng là cách tiết kiệm thời gian và dư thêm được ít khoản phụ phí mỗi tháng.
Tôi ưu tiên thiết lập các mối quan hệ chân thành, làm gì cũng phải nghĩ cho người trước. Với cách sống này, tôi chủ động cho đi và luôn luôn được nhận lại, được yêu thương. Sài Gòn - quê hương thân yêu thứ hai cho tôi nhiều và ngầm dạy lại rằng, biết nhiều không bằng biết điều, khi công việc tốt thì thu nhập tăng thêm.
Hãy vui vẻ, sẵn sàng và tiên phong cho đi... bạn chắc sẽ nhận lại và nhận nhiều hơn mong đợi. Ở Sài Gòn, có nhà để ở, xe đi lại là mong ước của nhiều người trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn biết lượng chừng sức mình thì cuộc sống nhẹ nhàng, nếu bạn cố tô vẽ cái áo hào nhoáng bên ngoài để nhận được lời khen "còn trẻ tự thân mua nhà, xe giỏi quá!" thì dễ lâm vào cảnh nợ nần túng thiếu.
Tôi khuyên các bạn, nếu lỡ tay thì tìm cách thoát ra hợp lý nhất, hoặc tự mình chịu trách nhiệm, đừng làm ảnh hưởng đến cha mẹ, anh chị ở quê vì họ có cuộc sống riêng và đã vất vả quá rồi.
Sau ba năm nỗ lực làm việc chăm chỉ, ngày hôm nay, tôi chính thức không còn gánh trên vai chữ "nợ". Giờ đây, vợ chồng tôi chỉ tập trung làm ăn và thực hiện kế hoạch mới 2 năm tiếp theo.
Tôi hy vọng, những bước đi chậm rãi, từ tốn, nhẹ nhàng, lối sống hướng nội của người đàn ông U40, cộng thêm sự đồng hành của thần may mắn, tôi sẽ có cơ hội viết tiếp câu chuyện thanh xuân của mình cùng các bạn.
Tôi mong rằng qua chia sẻ này, sẽ mang đến nụ cười, sự đồng cảm của những chàng trai tỉnh lẻ có xuất phát điểm thấp như tôi.
Trần Văn Khoa
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.