Trước việc vẫn có ý kiến đề nghị áp thuế luỹ tiến từ nhà thứ hai, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết sẽ tiếp thu, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu khi sửa luật về thuế.
Theo đó, có ý kiến nhân dân kiến nghị áp dụng các loại thuế, phí như thuế lũy tiến với người mua nhà thứ hai trở lên và theo thời gian bán bất động sản. Đồng thời, đánh phụ phí cao với bất động sản tại khu vực, thành phố trung tâm, nhằm hạn chế đầu cơ, nhà hoặc đất không sử dụng.
Nhiều độc giả VnExpress bàn luận xung quanh câu chuyện đánh thuế BĐS thứ hai. Theo truyền thống, an cư lạc nghiệp là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, câu chuyện nếu mua nhà, đất để dành cho con mà bị đánh thuế là tâm tư của nhiều người.
Bạn đọc có nickname kinhdoanh8984: "Mỗi gia đình cơ bản có hai người con theo chính sách dân số. Vì vậy xu hướng đời cha mẹ muốn làm ăn để mua được hai căn nhà sau này cho các con. Những người đầu cơ lũng đoạn chuyên nghiệp sẽ có trên hai BĐS. Tôi nghĩ đánh thuế thật cao với BĐS từ thứ ba trở lên sẽ phù hợp hơn".
Độc giả le duy: "Tích lũy cho con cháu cũng bị đánh thuế cao thì hơi lạ, trong khi lướt sóng mới là vấn đề".
Độc giả Sai gin: "Nhà có ba người con, tôi mua cho mỗi đứa một cái nhà làm của hồi môn, nhưng chúng còn bé quá chưa đủ tuổi để sở hữu. Mua nhà để dành cho con thì có gọi là đầu cơ không?".
Trái ngược với quan điểm trên, một số độc giả cho rằng mua nhà đất để dành cho con phải chịu thuế BĐS là điều đương nhiên:
"Ai cũng muốn gia đình, con cháu mình sướng cả, nhưng ngoài sự giàu có của bản thân thì cần nghĩ đến sự giàu mạnh của đất nước. Người giàu phải đóng góp nhiều thông qua thuế thì xã hội mới đi lên đồng đều được.
Những gì người giàu đóng sẽ góp phần vào giao thông, giáo dục, quân sự, y tế của đất nước. Giúp cho những đứa trẻ sinh ra trong nghèo khó có sự giúp đỡ để ăn học đổi đời.
Bạn cảm thấy bất công nhưng lại rất công bằng vì các khoản thu đó được quy định trong luật, ai trở nên giàu cũng sẽ đóng góp cho đất nước như vậy, không chỉ mình bạn".
"Nên đánh thuế BĐS thứ hai bởi vì tài nguyên đất là hữu hạn, nhu cầu nhà ở là thiết yếu,nhà nước điều tiết để đảm bảo mỗi người sinh ra trên đất nước này đều có khả năng tiếp cận nhu cầu thiết yếu này.
Tránh để những người giàu có gom đất và coi đó là tài sản tích lũy,đất để không chờ lên giá, tiền chôn vào đất, trong khi người có nhu cầu thì không đuổi theo nổi sự tăng giá của BĐS khi nhà đất bị đẩy giá lên quá cao vượt khả năng chi trả của tầng lớp bình dân.
Dù rằng ai có tiền mua gì quyền của họ, nhưng công việc của cơ quan quản lý là điều hành nên có các quy định nhằm hướng tới an sinh, phát triển bền vững xã hội".
Chính sách nào cũng có hai mặt, đánh thuế thì tiền làm ra sẽ chi cho tiêu dùng nhiều hơn là tiết kiệm cho thế hệ sau, như vậy kinh tế sẽ phát triển mạnh hơn. Và mỗi cá nhân sẽ cần phải tự nỗ lực cho sự sướng khổ của chính mình.
Tiền từ các loại thuế này sẽ được đưa trở lại vào giáo dục, giúp tất cả trẻ em đều được đến trường và nhận được giáo dục tốt. Hạn chế sự ỷ lại vào tài sản thừa kế. Dĩ nhiên quan niệm sống Âu và Á khác nhau nên quan điểm thừa kế cũng khác, thuế này các nước phát triển đã áp dụng lâu rồi, mình mới bắt đầu nghiên cứu thì người dân sẽ chưa quen, nên vẫn đang nghiên cứu để ra luật phù hợp.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.