Không mua được vàng, người ta có thể dùng bạc, đá, gỗ với giá rẻ để đeo, không cần trang sức, con người vẫn sống vui vẻ, thoải mái. Không mua được xe ôtô, người ta có thể đi xe buýt, xe đò, tàu điện, máy bay... với giá bình dân để di chuyển. Hoặc xe máy, đạp điện với giá rất rẻ.
Nhưng không mua được nhà, người ta phải đóng tiền trọ với giá hai triệu đồng một tháng, không gian sống chật chội, mức giá 3 triệu đồng là sống được và năm triệu đồng là sống ổn. Chưa kể giá điện, nước.
Tôi còn nhớ lúc dịch Covid-19 hoành hành, nhiều người không làm ra tiền mà tháng nào cũng kè kè tiền trọ, tiền điện. Nghĩ thôi đủ thấy áp lực.
Với mức lương hiện nay, phần đông công nhân làm quần quật nhưng chỉ đủ sống. Tôi lấy ví dụ, tổng lương hai vợ chồng công nhân ở TP HCM là 14 triệu đồng một tháng, nuôi 1-2 con ăn học. Họ phải trả tiền trọ 3-5 triệu đồng một tháng.
Bốn miệng ăn tầm triệu đồng một tháng. Điện nước (giá đội lên rất nhiều nếu ở trọ) tầm một triệu đồng một tháng. Các phí như mạng internet, xăng, hư hỏng xe cộ... Vậy tiền dư của họ ở đâu? Chỉ riêng tiền trọ đã cứ như mỗi tháng có ai đó lấy đi 20-50% lương.
Tôi nghĩ các chính sách phải làm sao để lo ít nhất cho số lao động thu nhập thấp không mất tiền thuê nhà và ở trọ. Cá nhân tôi cho rằng cần có giải pháp cấp thiết để ngăn đầu cơ, thổi giá bất động sản. Làm sao để 20 năm tiền lương cơ bản là người lao động có thể mua được căn nhà?
Đất là tư liệu sản xuất có sẵn, không sinh ra được, nó không nên được xem là tài sản thông thường. Do đó cần quản lý chặt chẽ, không cho phép tích lũy bằng cách đánh thuế đất thứ hai trở lên thật nặng, thuế thừa kế đất thật nặng và thuế giao dịch liên tục thật nặng.
Cái cần của một xã hội phát triển và lao động và sản xuất chứ không phải ngồi trên đất chờ sinh sôi ra của cải. Có như vậy thì nền kinh tế chung mới phát triển bền vững được.
Lá Xanh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.