Bạn tôi sau khi nghe tin giá gas tăng cao kỷ lục, đã quyết định sử dụng bếp điện, đồng thời cũng chia sẻ rằng: "Một tháng qua phải nhờ mẹ gửi rau từ quê ra, bởi mức lương 9 triệu đồng sau khi trừ chi phí thuê trọ, sinh hoạt nếu tính cả ăn uống vào thì hầu như không tiết kiệm được đồng nào".
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020.
Nhưng, có một nghịch lý nhỏ tại đây. Dù lạm phát có vẻ giảm và không quá biến động, việc xăng tăng cao nhất trong 7 năm qua cộng thêm với giá gas (bình 12 kg) lên đến hơn nửa triệu khiến cho cuộc sống của người lao động với mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng càng thêm khó khăn.
Lấy ví dụ chính bản thân tôi, vừa mới đi làm trở lại được hai tháng sau gần ba tháng Hà Nội giãn cách vì dịch Covid-19. Quả là một trải nghiệm không hề dễ chịu, giảm thu nhập, công việc tạm ngưng và phải dùng vào tiền tích lũy, thậm chí phải đi vay mượn để "tồn tại".
>> Trẻ vay nợ mua nhà, về già chật vật
Cứ nghĩ mọi thứ đã và đang vào chu kỳ ổn định, thì giá xăng, giá thực phẩm, tiền gas tăng khiến chi phí sống càng thêm chật vật. Ra chợ, mua một bó rau muống 10 nghìn, rau cải 15 nghìn, giá xăng hơn 24 nghìn một lít đồng khiến trung bình mỗi tháng tôi phải mất thêm 500 nghìn đồng đồng tiền xăng cho một quãng đường 20km đến chỗ làm.
Tính ra, nếu tôi đi lại nhiều, tiền xăng mà tôi phải chi ra trên dưới một triệu đồng. Chưa hết, chi phí xăng tăng khiến hàng hóa, hàng tiêu dùng có sự "nhích" nhẹ. Theo một số liệu thống kê, hàng tiêu dùng từ đầu năm 2021 đến hiện tại đã tăng giá 6,5%, điều này tác động rất lớn đối với những người "làm công ăn lương" vốn dĩ đã chật vật, nay càng chật vật hơn sau dịch.
Thực phẩm tăng cao khiến chi phí sinh hoạt của những người lao động có mức lương ngưỡng 8 -10 triệu đồng càng khó khăn.
>> 'Khoản vay tích cực' để không phụ thuộc lương hưu
Phải nói rằng, giá xăng, giá gas và thực phẩm, rau xanh tăng giá mạnh ảnh hưởng đến những người lao động. "Ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu" chưa kể mức lương ngưỡng 8-10 triệu đồng thật khó để xoay sở giữa thời buổi bão giá, thậm chí nhiều người vẫn đang nhận 80% lương do công ty mới bắt đầu "ổn định" trở lại sau dịch.
Còn ba tháng nữa là Tết Âm lịch Nhâm Dần 2022, sẽ rất khó khăn nếu như giá hàng hóa thiết yếu, xăng và gas vẫn giữ nguyên.
Anh Nguyễn Đình
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.