Hôm qua (26/10), liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng mạnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước dù đã dùng tới Quỹ bình ổn. Mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng; xăng RON 95 thêm 1.460 đồng. Các mặt hàng dầu cũng đắt thêm 120-1.170 đồng một lít, kg tuỳ loại.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 ở mức 23.110 đồng một lít, còn xăng RON 95 lên mức 24.330 đồng một lít - ngưỡng cao nhất 7 năm (kể từ tháng 9/2014).
Sự tăng mạnh của giá xăng trong nước do chịu ảnh hưởng của giá nhiên liệu thế giới. Ngày 25/10, giá dầu thô đã ghi nhận phiên tăng lịch sử, khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn có thời điểm chạm mức 85,41 USD một thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2014, trước khi giảm về 83,76 USD một thùng ở cuối phiên. Dầu thô Brent cùng lúc cũng tăng lên 86,43 USD một thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Cả hai loại dầu chủ chốt trên đều tăng khoảng 20% so với đầu tháng 9.
Mức giá kỷ lục được thiết lập do nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới không ngừng tăng, sau khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, thiếu nguồn cung khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu trong khi mức dự trữ dầu thô của Mỹ giảm... cũng khiến giá dầu đi lên. Goldman Sachs dự báo, giá dầu Brent khả năng vượt mức 90 USD một thùng.
Trước đà tăng giá của thế giới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã tăng tổng cộng 4 lần từ đầu tháng 9, với mức tăng hơn 3.200 đồng một lít với xăng, trên 2.100-3.000 đồng mỗi lít với dầu. So với tháng 2, mỗi lít xăng RON 95 đã đắt thêm gần 7.200 đồng; xăng E5 RON 92 thêm 6.800 đồng.
Tuy nhiên, với mức tăng ngày 26/10, liên Bộ Công Thương - Tài chính cho rằng, giá xăng dầu trong nước vẫn điều chỉnh thấp hơn mức tăng của giá thế giới, nhờ công cụ Quỹ bình ổn giá.
Bộ Công Thương cho hay, Quỹ bình ổn giá đã chi liên tục 100-200 đồng một lít, kg với mỗi loại xăng, dầu từ đầu năm đến nay. Kỳ điều hành hôm qua nếu không tăng chi quỹ với xăng E5 RON 92 và RON 95, giá các mặt hàng này tăng lần lượt là 1.859 đồng và 2.527 đồng một lít.
"Nhờ dùng quỹ bình ổn nên giá xăng dầu trong nước đã tăng thấp hơn mức biến động giá thế giới", liên Bộ Công Thương - Tài chính nhận định trong thông cáo phát đi chiều 26/10.
Theo cơ quan này, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/10 tăng 7-11% tuỳ loại. Theo đó, mỗi thùng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) ở mức 97,36 USD, tăng 10,44% so với kỳ trước; RON 95 là 100,38 USD một thùng, tăng 11,2%; mỗi thùng dầu diesel cũng đắt thêm gần 8,5%, lên mức 95,2 USD...
Giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%.
Giá dầu thế giới tăng tác động đến kinh tế Việt Nam ở hai khía cạnh. Giá dầu tăng giúp tăng thu ngân sách từ dầu thô; tăng thu gián tiếp từ các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, giá dầu tăng khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng theo, tác động tới các ngành sản xuất trong nước do đây là nhiên liệu đầu vào.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước và thu nhập, chi tiêu của người dân.
Ông Nguyển Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê ước tính, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%, nhưng lại làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Điều này phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Ở khía cạnh này, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng sẽ ảnh hưởng tới phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian ngưng trệ. Ông Long nói, nhà điều hành cần sử dụng linh hoạt hơn các công cụ điều hành, như Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều tiết, giữ mức tăng giá trong nước không đột biến để giảm bớt gánh nặng, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Có thể thấy Quỹ bình ổn xăng dầu trong trường hợp giá thế giới đang tăng theo "chiều thẳng đứng", khi đã vượt 100 USD một thùng với RON 95 được coi là công cụ giúp giá trong nước giữ nhịp tăng chậm hơn giá thế giới. Nhưng hiện số dư quỹ này tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu không còn nhiều, thậm chí nhiều đơn vị ghi nhận mức âm quỹ lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Theo số liệu từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đến trước 16h ngày 26/10, quỹ bình ổn xăng dầu tại tập đoàn này đang âm 262 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ bình ổn giá tại PVOil cũng âm hơn 697 tỷ đồng (đến trước ngày 11/10). Con số này giảm đáng kể so với mức âm hơn 710 tỷ đồng hồi đầu tháng 9 của doanh nghiệp này.
Tới cuối tháng 8, có 15 trong số 35 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu ghi nhận âm Quỹ bình ổn giá với tổng mức âm hơn 1.470 tỷ đồng. 20 thương nhân kinh doanh xăng dầu chưa bị âm quỹ. Cân đối giữa số doanh nghiệp bị âm quỹ và số quỹ dương của các doanh nghiệp đầu mối, số quỹ bình ổn còn lại dư không nhiều, khoảng 600 tỷ đồng.
Với mức này, các chuyên gia cho rằng chỉ một vài đợt điều chỉnh giá mạnh, nếu không sử dụng công cụ điều hành khác, toàn bộ số quỹ bình ổn xăng dầu tích luỹ được sẽ không còn, thậm chí là âm quỹ. Hồi giữa năm 2019, quỹ bình ổn giá xăng dầu từng âm hơn 620 tỷ đồng do các đợt chi quỹ mạnh từ quý IV/2018 và những tháng đầu năm 2019.
Công cụ điều hành khác được giới chuyên gia nhắc tới để "kìm" giá xăng dầu trong nước là giảm thuế. Hiện trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, các loại thuế, phí chiếm hơn 60% với mỗi lít xăng, tuỳ loại. Đáng kể nhất là mức thuế bảo vệ môi trường, với xăng E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, xăng RON 95 là 4.000 đồng một lít, dầu diesel 2.000 đồng...
"Bộ Công Thương đang cùng Bộ Tài chính tính toán, cân nhắc việc giảm thuế với xăng, có thể là thuế bảo vệ môi trường, để giữ bình ổn giá trong nước", bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nói tại họp báo của cơ quan này tháng trước. Theo đó, phương án đang được nghiên cứu là giảm một phần thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 RON 92.
Cũng cho rằng nhà điều hành nên cân nhắc giảm thuế môi trường với xăng, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội nói, mức giảm có thể là 1.000 đồng mỗi lít với xăng E5 RON 92.
Ông phân tích, khi quỹ bình ổn dư địa không còn nhiều và khả năng âm quỹ là rất lớn trước biến động giá hiện nay, giảm thuế, phí trong xăng dầu là công cụ điều hành giúp "kìm" giá mặt hàng này. Việc này nhằm giúp các doanh nghiệp, người dân tránh chịu tác động lớn từ việc tăng giá nhiên liệu đầu vào tới sản xuất kinh doanh, đời sống khi kinh tế trở lại trạng thái phục hồi.
"Giá xăng cao thế này, người dân sẽ cân nhắc chuyển sang dùng E5 RON 92 nhiều hơn, thì tỷ trọng tiêu thụ loại xăng này sẽ tăng. Giảm thuế môi trường với loại xăng này sẽ bớt áp lực cho doanh nghiệp sản xuất, người dân", ông nói.
Dù vậy, việc giảm loại thuế này theo các chuyên gia phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền, và ảnh hưởng đến thu ngân sách nên giải pháp trên sẽ khó quyết trong ngắn hạn. Trước mắt, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất, thì việc "cân đo đong đếm" dùng Quỹ bình ổn giá linh hoạt, hợp lý khi "vốn còn rất mỏng" là việc nhà điều hành cân nhắc, tính toán.
Về phía Bộ Công Thương, đại diện cơ quan này khẳng định vẫn luôn bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và phối hợp với Bộ Tài chính điều hành mặt hàng này nhằm phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Anh Minh