Lương cao mà chịu đựng sếp hay lương vừa vừa mà được làm việc với sếp dễ thương đồng nghiệp dễ mến là những câu hỏi sẽ tạo ra nhiều câu trả lời khác nhau. Tuỳ theo quan điểm và cá tính của mỗi người mà sẽ trả lời rằng đi làm vì tiền hay vì kinh nghiệm, đam mê.
Tuy nhiên, qua nhiều năm làm việc, tôi nhận thấy có một tình trạng là nhiều người sau gần chục năm đi làm nhưng vẫn hài lòng với mức lương nhỉnh hơn sinh viên mới ra trường một chút.
Loại trừ các yếu tố khách quan, nguyên nhân đến từ việc chính bản thân họ cảm thấy hài lòng với mức lương hiện tại qua chừng đó năm. Hay nói cách khác, họ không có động lực, hoặc không biết tăng lương bằng cách nào nên chấp nhận sự an phận và đánh đổi tuổi trẻ với những mức lương trên dưới 10 triệu đồng. Đó có phải sự bán mình với giá chưa phải chăng hay không?
Đừng ngồi đó kêu gào, đổ lỗi rằng tại sao tôi làm tốt, làm hết việc mà sếp và công ty không tăng lương? Tốt là như thế nào? Làm hết việc là trách nhiệm của bạn khi đi làm. Một nguyên tắc để được tăng lương và được nhận lương cao là bản thân người đó phải mang lại nhiều tiền cho công ty, tổ chức. Muốn nhận lương 20 triệu thì phải đem lại cho công ty gấp đôi số tiền đó hoặc hơn. Tôi tin rằng chẳng có công ty hay vị sếp nào lại bạc đãi người nhân viên giỏi giang và chăm chỉ cả. Vì thế, khi thấy lương thấp, phải xem lại mình.
Đừng bán mình với những mức lương 10 triệu đồng nữa. Muốn nhận được lương cao, hãy gia tăng giá trị của bản thân.
Ngoại ngữ là con đường tắt để đến được lương cao. Tôi gặp nhiều bạn thời đi học rất giỏi tiếng Anh, nhưng sau vài năm đi làm, môi trường tiếp xúc với người Việt, ít có cơ hội sử dụng ngoại ngữ lại đâm ra lụt nghề.
Đó là một sự lãng phí và tiếc nuối. Người giỏi một ngoại ngữ thường sẽ giỏi thêm một ngoại ngữ khác, vì đó là bàn đạp để nạp ngôn ngữ vào đầu một cách dễ dàng. Nếu đã khá tiếng Anh, hãy học thêm tiếng Nhật, Hàn, Trung, Pháp... Vì nếu mặt bằng lương các công ty nói tiếng Anh bị bão hoà thì có thể đi vào ngách để tìm tới các công ty cần người thông thạo tiếng Trung, Hàn... để nhận được mức lương cao hơn.
Một con đường khác, cần sự dài hơi hơn là hãy biến mình thành một chuyên gia trong lĩnh vực của mình. "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", tôi nhớ đã có bài báo nói về một chị làm nghề soi trứng gà - một việc nghe qua rất ít dụng công sức nhưng khi đạt đến trình độ master, chị nhận lương hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Đi làm chừng vài năm, hãy tìm cho mình một kỹ năng để rèn luyện để đạt đến cảnh giới như chị soi trứng gà đó.
Thực tế, tôi lại thấy nhiều bạn trẻ ôm đồm, dàn trải kỹ năng. Một bạn thiết kế lại học thêm dựng video, quay phim. Một bạn muốn trở thành người viết nội dung hay hấp dẫn nhưng lại học thêm thiết kế. Tuy biết thêm một kỹ năng cũng là điều tốt, nhưng nên dừng lại ở mức để chúng bổ trợ lẫn nhau trong công việc. Còn nhiệm vụ là phải thuần thục một kỹ năng mà thôi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.