Cô ấy tuyên bố hùng hồn: "Trai văn phòng chỉ quen cho vui chứ không lấy làm chồng". Cái vấn đề chính được đặt ra là làm văn phòng lương ba cọc ba đồng, làm sao nuôi nổi vợ con. Khi bị hỏi vặn lại: Tại sao không cùng làm việc để xây dựng gia đình mà trông vào chồng nuôi, thì cô bạn tôi chỉ biết im lặng.
Nói thế để thấy, dưới con mắt nhiều người, nghề văn phòng gắn liền với những công việc không tạo ra giá trị hữu hình, lương thường thấp so với các bộ phận sản xuất nên sẽ chẳng có tương lai huy hoàng, rực rỡ.
Rồi người ta lại tô vẽ thêm những mảng tối cho bức tranh nhuốm màu định kiến đó: "Sao phải cam chịu làm văn phòng thu nhập thấp", "làm văn phòng ổn định nhưng sống mòn", "làm văn phòng ù lỳ", "làm văn phòng ngồi máy lạnh, lỡ bị sa thải thì sao".
Những vấn đề mà họ đặt ra, chỉ là mảng tối của nghề văn phòng mà thôi. Và mảng tối này thường gắn liền với những người an phận, có sức ỳ cao mà thôi. Còn mảng sáng của những người làm công việc văn phòng nhàn nhã thì dường như họ không biết, hoặc biết nhưng cố tình không nhắc tới.
Theo tôi, có hai dạng người chấp nhận làm văn phòng nhàn nhã, lương thấp. Nhưng bạn đừng vội nhìn vào đó rồi kết luận họ ở mảng tối thứ nhất. Vì trên đời có nhiều thứ nhìn vậy chứ không phải vậy.
Hồi tôi mới ra trường, vào làm việc ở một công ty sản xuất, bộ phận văn phòng chỉ có 10 người mà thôi. Trong số đó có một anh cỡ ngoài 40 tuổi, tóc muối tiêu, ăn mặc bình thường nhưng rất tươm tất. Sáng, anh ngồi uống cà phê vỉa hè, ăn bánh mì rồi vào làm việc. Buổi trưa dù mưa hay nắng, ngày nào cũng chạy về nhà ăn cơm với vợ. Có lần, khách tới văn phòng còn tưởng anh ấy là nhân viên tạp vụ, bảo vệ của toà nhà.
Anh em chơi với nhau lâu dần rồi thân, một buổi trưa anh rủ tôi về nhà ăn cơm. Vốn cũng tò mò nên tôi nhận lời và ngã ngửa khi ngôi nhà anh ở là căn nhà 3 tầng, mặt tiền đường lớn ở thành phố. Về sau mới biết, vợ chồng anh còn thêm vài cái mặt bằng cho thuê. Vợ ở nhà nội trợ, nấu cơm, nuôi con, còn anh thì đi làm cho vui chứ ở nhà nằm không thì cũng chán.
Tôi đem chuyện này kể lại với mọi người trong công ty thì họ chẳng bất ngờ mà còn nói: "Nhìn ổng như ông xe ôm, nhưng có ai biết là đại gia ngầm đâu nên ra đường không sợ bị cướp". Như vậy, anh đồng nghiệp của tôi là dạng người đã có của ăn của để, do thừa kế của cha mẹ, họ đã ở rất gần vạch đích rồi nên chẳng cần phải nỗ lực, thăng tiến để làm gì. Họ nghỉ việc luôn thì cũng được, nhưng có lẽ vẫn chọn đi làm cho vui. Đến công sở không bon chen, không ganh đua, việc ai nấy làm.
Trường hợp thứ hai, là những người chấp nhận làm văn phòng là nghề thứ nhất. Vì bản thân công việc cung cấp được các mối quan hệ, giao lưu để họ làm ăn ngoài luồng. Chính cái mánh mung này giúp họ có thu nhập thứ hai, thứ ba cao gấp nhiều lần lương chính thức ở công ty. Những người này tương đối nhanh nhẹn, giỏi giang, nhưng thường không có ý cầu tiến. Vì lên chức ở công ty thì trách nhiệm nặng nề, tiêu tốn nhiều thời gian hơn, mà hiệu quả thu nhập đôi khi không bằng làm thêm ở ngoài.
Suy cho cùng, làm văn phòng lương thấp thế này, thế nọ không là mẫu số chung để chúng ta đánh giá một người. Bây giờ rất dễ kiếm việc làm thêm, một người có thể làm nhiều job và thu nhập gấp đôi, gấp ba mức lương của một nhân viên văn phòng bình thường. Chúng ta không thể dùng con mắt cũ kỹ để soi xét rồi thắc mắc là sao họ cam chịu, ù lỳ, không phấn đấu cho sự nghiệp này nọ.
Danh Hoàng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.