Dạo qua một vòng các trang mạng về tìm việc, hỗ trợ việc làm lớn với địa điểm làm việc tại Hà Nội, tôi gõ các từ khóa như "văn phòng", "biên tập", sẽ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm kết quả.
Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm ở đây, mức lương dao động của các công ty tuyển dụng trung bình rơi vào khoảng từ 8-10 triệu đồng cho một công việc văn phòng. Có thể liệt kê những công việc ấy như: làm nội dung, nhân viên biên tập Youtube, Seo website, biên tập nội dung web...
Ngoài ra, nhiều công ty cũng yêu cầu kinh nghiệm từ một năm trở lên, thậm chí hai năm. Nhưng mức lương và đãi ngộ sẽ không khác biệt, thậm chí tương đương với sinh viên mới ra trường nếu làm cùng vị trí đó.
Phải chăng mức lương văn phòng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, đang thấp so với chi phí ngày càng đắt đỏ ở ngoài kia?
Tôi vừa theo dõi báo cáo và tìm hiểu một chút về số liệu thu nhập trung bình của một số ngành nghề tại Việt Nam trong năm 2020. Cụ thể, lương trung bình của công nhân dao động từ 6,8- 7,4 triệu đồng, lương của nhân viên kỹ thuật khoảng 8 triệu, nhân viên nội dung khoảng 7,5 triệu đồng, lương văn phòng dao động từ 8 đến 10 triệu đồng.
Tính trung bình, lương của phần đông người làm ở vị trí nhân viên văn phòng sẽ rơi vào khoảng 110 triệu đồng một năm, thu nhập trung bình xấp xỉ 4.800 USD, cao hơn một chút so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước năm 2020 (3500 USD).
Thu nhập của nhân viên văn phòng như vậy không phải là hiếm, thậm chí có rất nhiều công ty trả lương như vậy. Dường như đây được xem là mức lương sàn chung cho nhân viên văn phòng ở các công ty tư nhân tại Hà Nội.
Dẫn chứng đơn giản nhất, tôi có thể đưa ra thêm. Công ty của tôi làm việc liên quan đến lĩnh vực điện máy vệ sinh công nghiệp, quy mô công ty xấp xỉ gần 100 nhân viên. Bỏ qua lương của trưởng phòng, quản lý và đội ngũ nhân viên kinh doanh, lương của nhân viên làm biên tập nội dung mà công ty chi trả 7.5 triệu đồng, nhân viên nội dung media 8 triệu, và nhân viên Seo nội dung web là hơn 10 triệu đồng.
Đây được xem là mặt bằng chung của rất nhiều công ty khác mà tôi từng tiếp xúc qua, thậm chí có rất nhiều người bạn của tôi hiện cũng làm với cùng vị trí, với cùng mức lương tương tự.
Nhiều tác giả chia sẻ trên diễn đàn về lương văn phòng, thấp có, cao có, và một vài ý kiến của một số người lại khiến tôi khá để tâm "lương văn phòng thấp thế? Sao không kiếm việc gì làm thêm? Hay đại loại như: "Làm gì có lương nhân viên văn phòng như vậy"?, "Tại sao thấp mà cứ bám trụ hay đổ lỗi cho công việc?" Thật lòng, nghe những lời như vậy, tôi cảm thấy khá phiền và buồn.
Lương văn phòng của những công việc tôi liệt kê thấp? Tại sao? Phải chăng là do mặt bằng chung của các công việc trên đang được định giá ngang như thị trường?
Nhiều bạn đọc có thể sẽ chủ doanh nghiệp, làm IT, kỹ sư công nghệ, hoặc đại loại như các ngành nghề liên quan đến chất xám nhiều hơn. Nhưng liệu khi có nhân lực trong tay các bạn lựa chọn trả lương nhân viên trung bình theo mặt bằng chung hay trả lương theo cơ chế "cao hơn so với thị trường"?
Các bạn nghĩ tại sao lương nhân viên văn phòng tại Hà Nội thấp? Có phải họ không làm được việc hay là như thế nào? Có phải các chủ doanh nghiệp chỉ trả lương theo thị trường, thậm chí mức lương như vậy giờ còn không chạy theo được mặt tăng chung của giá cả thị trường.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.