Hằng năm, cứ đến dịp Tết đến xuân về, những người làm cán bộ, công chức, viên chức như tôi đều cảm thấy buồn khi thấy các doanh nghiệp thi nhau trả lương tháng 13, thưởng Tết cho nhân viên, có đơn vị trả bằng mấy tháng lương. Trong khi đó, chúng tôi hầu như không có khái niệm "lương tháng 13", thưởng Tết cũng chỉ ở mức khiêm tốn, khoảng vài triệu đồng cho cả một năm làm việc vất vả.
Chính tôi cũng hoang mang không biết phải chi tiêu Tết cho gia đình như thế nào với số tiền ít ỏi ấy? Tâm lý của tôi là rất ngại người khác hỏi về lương, thưởng của mình. Bởi, mức lương quá thấp, thưởng cũng bọt bèo đến mức không ai ngờ tới, trong khi yêu cầu trình độ đối với cán bộ, công chức, viên chức luôn rất cao. Nói cách khác, mức lương không tương xứng với trình độ.
Căn cứ khoản 2 Điều 12 Luật Cán bộ, công chức 2008, khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Viên chức 2010, Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, cho đến thời điểm hiện tại, pháp luật chưa có quy định riêng về tiền thưởng Tết Âm lịch; pháp luật không bắt buộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thưởng Tết Âm lịch cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Do đó, đối với dịp Tết Nguyên đán Quỹ Mão sắp tới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động như chúng tôi có được nhận tiền thưởng Tết Âm lịch hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quỹ tiền lương, thưởng, quy chế, quy định, thỏa thuận trước đó của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, thưởng Tết không nhất thiết phải thưởng bằng tiền mà có thể bằng tài sản hoặc các hình thức khác. Mức thưởng Tết cũng không có quy định bắt buộc mà theo quy định trong quy chế thưởng.
Nếu căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành, thưởng Tết không phải khoản bắt buộc. Tuy nhiên, với mức lương ngân sách nhà nước trả vẫn còn quá thấp so với mức sinh hoạt phí thực tế, cán bộ, công chức, viên chức không thể đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Đó là lý do thời gian qua có làn sóng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc ra tư nhân làm.
Thế nên, để có thể giữ chân nhân viên, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần phải có những giải pháp cụ thể. Câu hỏi ở đây, giải pháp đó là gì? Theo tôi có một số việc có thể làm như sau:
Đầu tiên, cần trả lương cao, xứng đáng với hiệu suất làm việc của nhân viên. Khi người lao động đã nhận "thưởng Tết" qua lương suốt mười hai tháng trong năm rồi, thì họ sẽ không cần mong cầu "thưởng Tết" cuối năm nữa. Việc này còn góp phần nâng cao hiệu suất làm việc và đóng góp cho đơn vị.
Nếu chưa thể trả lương cao đến mức người lao động không cần mong "thưởng Tết", thì ít nhất cũng phải thiết kế lại cơ cấu tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng tối thiểu bằng khoảng 15% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Thưởng Tết dù không là khoản bắt buộc nhưng lại là cách để giữ chân người lao động có năng lực chuyên môn tốt. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần có chiến lược tuyển dụng và giữ người. Nếu so sánh giữa hai đơn vị đều trả lương tháng đáp ứng hiệu suất làm việc của nhân viên, nhưng có một đơn vị có thưởng Tết và lương tháng 13, thì tôi tin chắc nhân viên sẽ lựa chọn đơn vị có thưởng Tết và lương tháng 13.
Nhiều gia đình thuê giúp việc cả năm còn có thưởng Tết và lương tháng 13. Vậy mà những người lao động có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ như công chức, viên chức làm việc ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nhưng thu nhập có khi chưa đạt hoặc chỉ đạt chục triệu đồng, lại không có lương tháng 13, thưởng Tết bèo bọt, không đủ mức chi phí tối thiểu chứ chưa bàn đến việc nghĩ cách tiêu tiền thưởng. Đây là một thực trạng rất đáng buồn mà xã hội cần suy nghĩ.
Chúng tôi chỉ hy vọng rằng, đến một ngày nào đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương cao, xứng đáng với hiệu suất làm việc, đến Tết không cần mong "thưởng Tết". Hoặc thay thưởng Tết bằng cách trả thu nhập theo mục tiêu, công khai và minh bạch cách tính thu nhập. Khi đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ cảm thấy hạnh phúc và muốn gắn bó hơn với cơ quan, doanh nghiệp hơn bây giờ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.