Càng gần tới kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, câu chuyện thưởng Tết lại được đem ra bàn tán sôi nổi. Nó gần như là mối quan tâm duy nhất của người lao động vào thời điểm này. Người ta làm cầm chừng, đi làm nhưng chỉ mong ngóng có thưởng hay không, thưởng bao nhiêu, nhiều hơn hay ít hơn năm trước? Thậm chí, nhiều người chán việc, áp ủ dự định nghỉ việc cũng cố làm vật vờ để lấy nốt tiền thưởng Tết cho đỡ phí.
Công ty tôi từ đầu tháng 1/2021 đã râm ran bàn tán chuyện thưởng Tết. Khỏi phải nói, ai cũng thấp thỏm xem năm nay thưởng thế nào? "Nghe đồn năm nay công ty mình không có tiền thưởng Tết đâu mà chuyển sang thưởng bằng hiện vật đấy" - tiết lộ của cô đồng nghiệp khiến cả phòng tôi hoang mang, nhốn nháo, xì xào lớn nhỏ. Có người nhanh chân chạy qua phòng khác nghe ngóng thêm tình hình.
Đây là chuyện thường tình bởi sau một năm làm việc vất vả, ai cũng mong có một khoản thưởng hậu hĩnh để sắm Tết, trả nợ, hay chí ít cũng để tự thưởng cho bản thân mình một thứ gì đó có ý nghĩa. Thế nhưng, năm nay mọi thứ rất khác bởi hai lý do:
Thứ nhất, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 suốt cả năm vừa rồi khiến việc kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng tôi đã phải chấp nhận bị cắt giảm nhiều khoản thưởng nhỏ trong năm, trải qua giai đoạn cắt giảm nhân sự, và giờ cũng phải chuẩn bị tâm lý cho nguy cơ bị cắt nốt thưởng Tết.
Thứ hai, một điểm mới trong năm nay là Điều 104 Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) quy định về "thưởng" thay vì "tiền thưởng" như Bộ luật cũ. Theo đó, khái niệm thưởng cho người lao động cũng được mở rộng ra, có thể là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Điều đó có nghĩa, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu này, các nhà sử dụng lao động có quyền thưởng bằng hiện vật thay vì thưởng tiền cho người lao động. Mà đương nhiên, với nhân viên chúng tôi, chẳng ai muốn phải nhận hiện vật thay cho tiền.
Năm 2020 đã qua đi với vô vàn khó khăn cả về kinh tế lẫn đời sống xã hội, tôi rất chia sẻ với các doanh nghiệp và hiểu người lao động cũng cần san sẻ gánh nặng với các ông chủ để cùng vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, đối với người lao động, thưởng Tết không chỉ là giá trị vật chất mà trong đó còn chứa đựng những yếu tố tinh thần, là nguồn động lực để mỗi người phấn đấu hơn với mong muốn có được tiền thưởng nhiều hơn. Với nhiều người, nếu không có tiền thưởng thậm chí còn coi như không có Tết.
Tất nhiên, việc thưởng phải căn cứ vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp, không thể đòi hỏi và gây áp lực. Nhưng tôi mong, các ông chủ doanh nghiệp sẽ có cái nhìn nhân văn và thấu hiểu cho mong mỏi chính đáng của người lao động để có những quyết định hợp lý, hợp tình, giúp tất cả có thể đón một cái Tết ấm no, bình yên sau một năm quá nhiều biến động.
>> Công ty bạn thưởng Tết bằng tiền hay hiện vật? Chia sẻ bài viết tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.