Tết ấm no, đủ đầy luôn là mong ước của tất cả người Việt từ trước đến giờ. Có ai mà không mong muốn được đón một cái Tết ấm áp và trọn vẹn. Chuyện mua sắm gì, chi tiêu ra sao cho mấy ngày Tết chưa bao giờ là chuyện đơn giản với mỗi gia đình có mức thu nhập trung bình. Nhưng năm nay, giữa bối cảnh phức tạp của dịch bệnh Covid-19, những người gánh trọng trách nội trợ trong gia đình lại phải đối mặt với một nỗi lo mới mang tên "tiết kiệm". Trong gia đình mình, việc sắm Tết chủ yếu do tôi đảm trách vì là người phụ nữ duy nhất trong nhà.
Hai vợ chồng tôi đều là nhân viên văn phòng, đang trả nợ mua nhà ở trên thành phố. Bình thường tiền lương của hai vợ chồng chỉ vừa đủ để chi tiêu sinh hoạt, lo ăn học cho các con và trả nợ ngân hàng. Đến Tết, chi tiêu nhiều khoản hơn nên chúng tôi chủ yếu dựa vào tiền thưởng. Năm nay dịch bệnh hoành hành, vợ chồng tôi may mắn không bị mất việc nên vẫn duy trì được kinh tế. Có điều, Tết này, chồng không có thưởng do công ty làm ăn khó khăn, tôi khá hơn khi vẫn được thưởng Tết hai tháng lương (khoảng 30 triệu đồng). Nhưng con số này chỉ bằng phân nửa so với tổng tiền thưởng của vợ chồng tôi hằng năm.
Nhiều người nghĩ "thưởng 30 triệu đồng là quá nhiều rồi, tiêu gì cho hết", nhưng thực ra, để lo một cái Tết không đơn giản như thế. Nhận về khoản tiền thưởng, tôi tính sơ sơ cũng thấy không đủ để chi tiêu Tết này. Nếu các bạn không tin, vậy để tôi liệt kê một vài khoản bắt buộc cần phải chi của gia đình mình mỗi dịp lễ Tết:
- Tiền mua sắm đồ ăn, thức uống, bánh kẹo cả Tết (bao gồm cả mâm cỗ, đồ thắp hương ba ngày Tết): 10 triệu đồng (hạn chế hết mức).
- Tiền biếu ông bà nội ngoại hai bên: 10 triệu đồng (cố định hằng năm).
- Tiền lì xì con trẻ, người lớn tuổi: 5 triệu đồng (hạn chế so với năm trước).
- Tiền quà cáp biếu sếp: 5 triệu đồng (không thể thiếu do đặc thù công việc của chúng tôi).
>> 'Lễ Tết mùng Một, chơi Tết mùng Hai'
Mới tính đến đây thôi, tôi đã thấy vượt qua cả con số 30 triệu đồng thưởng Tết của mình. Đấy là tôi còn cắt bớt rất nhiều khoản so với mọi năm, như: tiền tàu xe về Tết (năm nay chúng tôi không về quê vì dịch bệnh), tiền quần áo mới cho con cái, tiền mua cây hoa trang trí nhà cửa, tiền vui chơi, du xuân... cũng như hạn chế mua sắm đồ đắt tiền. Nói vậy để thấy chi tiêu cho một cái Tết không hề đơn giản. Chuyện Tết tiết kiệm, tối giản, hạn chế chi tiêu, nói thì dễ, nhưng chỉ những ai thực sự bắt tay vào việc mới thấy khó khăn đến mức nào.
Có lẽ, cũng vì chi tiêu sinh hoạt ngày một đắt đỏ nên phần lớn người Việt, trong đó có cả vợ chồng tôi đều luôn trông chờ vào tiền thưởng Tết mỗi năm. Nói không ngoa, đó chính là khoản quyết định đến cả một cái Tết của gia đình tôi. Nếu không có thưởng, coi như nhà tôi mất Tết.
Còn nếu ai đó nói rằng "tại sao không cắt bớt lễ nghi nọ kia đi?", thì tôi xin trả lời rằng, có những thứ đã thuộc về văn hóa truyền thống của dân tộc thì không phải nói bỏ là bỏ được. Như chuyện làm cơm cúng gia tiên, chuyện lì xì, chuyện sắm sửa đón Tết... tất cả cũng chỉ vì muốn khởi đầu một năm mới với niềm hứng khởi và đủ đầy, mong cầu may mắn cho cả năm. Còn nếu bạn có thể cho phép mình nằm dài chơi Tết, chẳng màng đến khói nhang, lễ lạt, họ hàng, thì đó là trường hợp cá biệt của bạn, không phải ai cũng được và muốn như thế.
Nói tóm lại, tôi không dám đánh giá tiêu Tết, ăn Tết thế nào mới là đúng, đó là quyền tự do quyết định của mỗi gia đình. Nhưng với tôi, mong cầu một cái Tết đủ đầy cũng không có gì là xấu cả. Tôi tin chẳng người vợ, người mẹ nào muốn chồng con đói, thiếu ba ngày Tết cả, phải không?
Gia đình bạn tốn bao nhiêu tiền để chi tiêu dịp Tết?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.