Mấy ngày nay, câu chuyện thưởng Tết lại nóng lên khi kỳ nghỉ lớn nhất năm đến gần. Khắp nơi trên cả nước, người ta xôn xao bàn tán nhau về chuyện doanh nghiệp này thưởng Tết ra sao, công ty kia thường Tết thế nào? Đâu đó còn rộ lên các trường hợp công nhân, người lao động nghỉ việc hàng loạt để phản đối chính sách lương thưởng cuối năm.
Thực ra, câu chuyện thưởng Tết ở nước ta vốn khá nhạy cảm khi tâm lý chung của người Việt vẫn là mong chờ một khoản tiền thưởng lớn vào dịp Tết Nguyên đán. Đến mức nhiều người coi thưởng Tết là một nét văn hóa độc đáo ở Việt Nam, thể hiện sự tri ân của doanh nghiệp với người lao động. Từ đó, người ta mặc định công ty nào càng thưởng nhiều tức càng có môi trường làm việc đáng mơ ước và ngược lại.
Vậy nhưng, năm nay là một năm hết sức đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát diện rộng, tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn do phải ngừng sản xuất trong một thời gian dài. Thực tế, hai năm qua, hàng loạt doanh nghiệp đã phải giải thể, số khác tạm dừng hoạt động, một phần nhỏ vẫn cố gắng trụ lại nhưng phải đương đầu với vô vàn khó khăn. Vì thế, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đang đau đầu tìm cách thưởng Tết để giữ chân người lao động, trong khi ở chiều ngược lại, phần đông người lao động vẫn luôn mong chờ một khoản thưởng lớn sau một năm thất thu.
Vậy năm nay có nên là ngoại lệ? Thực ra thưởng Tết vẫn rất có ý nghĩa với đại đa số người Việt. Ít nhất nó cũng cho thấy sự quan tâm, chăm sóc đến đời sống vật chất và tình thần, đồng cam cộng khổ với người lao động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây không thể là một mối quan hệ một chiều. Ở hướng ngược lại, bản thân người lao động cũng cần ý thức được những khó khăn mà công ty đang phải trải qua để có cái nhìn cảm thông với tổ chức.
>> Ngừng làm việc vì giảm thưởng Tết
Người ta thường nói: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì đi cùng nhau". Doanh nghiệp và người lao động cũng cần cộng sinh để tồn tại, đôi bên cùng có lợi, thay vì đòi hỏi lợi ích về một phía. Nếu việc thưởng Tết đang trở thành gánh nặng, đe dọa trực tiếp đế mục tiêu tái khởi động, đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ tan vỡ, vậy đòi hỏi lương thưởng Tết của người lao động có còn là chính đáng?
Công ty tôi mới đây cũng công bố mức thưởng Tết của năm nay, chỉ thấp bằng một phần tư với năm ngoái. Chắc chắn, nếu đem so sánh như vậy, chẳng ai có thể thấy vui. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh dịch bệnh cả năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng, đây có thể xem là một nỗ lực vượt bậc của Ban Giám đốc. Thế nên, anh chị em nhân viên chúng tôi tuyệt nhiên không ai phàn nàn hay gây sức ép đòi tăng thưởng. Thay vào đó, chúng tôi động viên nhau cùng cố gắng để vượt qua khó khăn trước mắt và hy vọng năm sau sẽ tốt hơn.
Tiếc rằng, ý niệm chung sức, sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp vẫn còn khá ít với người lao động Việt. Đó là lý do khiến mối quan hệ này vốn rất mong manh, đễ vỡ trong các hoàn cảnh đặc biệt. Chứng kiến nhiều doanh nghiệp lao đao khi công nhân bỏ về quê thay vì ở lại tái sản xuất, tôi hiểu câu chuyện này không đơn giản, một chiều như nhiều người vẫn nghĩ. Có lẽ đã đến lúc người Việt cần thay đổi tư duy hợp tác, đồng hành cùng doanh nghiệp như một thể thống nhất để phát triển bền vững. Đừng chỉ chăm chăm đòi thưởng Tết cao một cách vô cảm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.