Tác giả Vũ Thị Minh Huyền đang là Tiến sĩ, công tác tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam.
Chỉ còn hơn một tháng nữa, cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ dài nhất năm - Tết Nguyên đán. Nếu như mọi năm, đây là dịp mà hầu như mọi người đều mong chờ sau một năm học tập và làm việc xa nhà, là dịp để người ta có thể đoàn viên cùng gia đình, nghỉ ngơi sau một năm vất vả. Tuy nhiên năm nay, bầu không khí đón Tết lại dường như rất khác.
Năm vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh kéo dài. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất hoặc phá sản, hàng nghìn người lao động vì thế cũng lâm vào cảnh thất nghiệp. Vì những ổ dịch, F0, vì phong tỏa, cách ly, mà dù không hề muốn, họ vẫn phải nghỉ việc, ở yên trong nhà rất lâu.
Thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán Nhâm Dần kề cận, câu hỏi Tết này sẽ ra sao; về quê đoàn viên với gia đình hay ở lại thành phố; lương, thưởng thế nào... có lẽ là những nỗi trăn trở của phần đông người lao động, nhất là với những người xa quê.
Dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhiều ngành nghề gấp rút chạy đua cuối năm sau thời gian dài bị đình trệ. Điều này khiến người lao động vui mừng khi được trở lại với công việc. Tuy nhiên, một phần lớn lao động tự do lại như "ngồi trên đống lửa" khi không có việc làm ổn định. Một cái Tết viên mãn, đủ đầy, vì thế càng trở nên xa vời hơn với họ.
Khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến căng thẳng từng ngày, những lao động tự do ở Hà Nội lại càng thêm lo lắng. Trải qua quãng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch, nhiều người đang tranh thủ kiếm thêm thu nhập từng ngày, những mong có cái Tết đủ đầy hơn. Tôi biết có những người đã không ngần ngại tăng ca, làm việc từ 10-12 tiếng một ngày, thậm chí có người làm 15 giờ liên tục với mong muốn có thêm tấm áo mới cho con khi Tết đang cận kề. Có người lại chỉ đơn giản là để chạy cơm từng bữa.
>> Gộp Tết để sống 'bình thường mới'
Bên cạnh những niềm vui, hy vọng, còn là bao nỗi lo của cuộc sống đời thường đè nặng mỗi khi Tết đến. Có nhiều người, để chuẩn bị về quê sum họp cùng gia đình, đã chủ động tìm kiếm việc làm thêm để có chút tiền dư dả trang trải cho ngày Tết. Mặc dù đã rất cố gắng, chăm chỉ làm việc nhưng họ cũng chỉ nhận được mức lương tạm đủ sống, khoảng 4-5 triệu đồng một tháng. Số tiền ấy dường như chẳng thấm tháp vào đâu, bởi trừ đi các khoản chi phí như tiền phòng, tiền sinh hoạt, tiền gửi về quê... hầu như tháng nào họ cũng "âm tiền".
Trò chuyện với nhiều gia đình công nhân lao động khó khăn, tôi nhận ra những ngày này, họ luôn đắn đo, trăn trở giữa việc về quê ăn Tết hay ở lại? Để vừa tiết kiệm được chi phí, lại có thêm thu nhập cho gia đình, không ít gia đình công nhân lao động đã nghĩ tới việc ở lại làm thêm xuyên Tết thay vì tốn kém về quê sum họp. Không phải vì họ không muốn về mà cứ nghĩ đến chuyện tiền tàu xe, quà cáp, tiền mừng tuổi, rồi đủ loại chi phí phát sinh, về có mấy ngày nhưng tốn hơn chục triệu đồng... họ lại chùn bước. Với công nhân lao động, số tiền đó không phải là ít.
Nhiều lao động tự do than thở với tôi: "Tiền ăn không có, nói gì đến Tết". Để có một cái Tết tạm gọi là tươm tất, đối với những người lao động tự do vào thời điểm này là một ước mơ xa xỉ. Nhiều người đã chọn ở lại thành phố mưu sinh, tranh thủ làm thêm để bù vào những tháng ngày giãn cách xã hội, để người nhà ở quê được hưởng một cái Tế no đủ hơn. Chất chứa trong hai từ "ăn Tết" của những người lao động xa quê ấy, có lẽ là những nỗi niềm khó tả hơn nhiều.
Để có cái Tết trọn vẹn, nhiều người phải tính trước cả năm. Có những người vì kinh tế eo hẹp mà buộc phải chọn năm về và năm ở lại so le nhau. Bởi chỉ tính riêng chi phí tàu xe, sắm quà Tết có khi cũng ngốn hết số tiền lương, thưởng vốn eo hẹp của công nhân, người lao động rồi. Tết đến là đi kèm với những nỗi lo và gánh nặng. Ai còn dám nghĩ đến Tết khi những tờ hóa đơn tiền thuê nhà, tiền điện đã đến ngày đóng, nhưng trong túi lại chẳng còn đồng nào. Thế nên, nói đến Tết, họ chỉ biết chậc lưỡi, thở dài.
>> 'Nghỉ Tết 9 ngày quá dài và lãng phí'
Đối với người lao động, thưởng Tết vẫn là một khoản vô cùng quan trọng và luôn được mong chờ vào những dịp cuối năm. Thời điểm này, người lao động cần tiền để sắm sửa, mua quà, vé xe, vé tàu... và nhiều khoản quan trọng khác. Đối với nhiều người, không có thưởng Tết coi như không có Tết, nhất là những người lao động thu nhập thấp.
Trong khi đó, năm nay, doanh nghiệp lao đao vì dịch Covid-19, người lao động cũng tự dự đoán được thưởng Tết năm nay sẽ không bằng những năm trước, thậm chí có thể không có. Tầm này mọi năm, nhiều công ty đã thông báo lịch nghỉ Tết và chuyển lương tháng thứ 13 và thưởng Tết rầm rộ. Nhưng năm nay, tôi thấy mọi thứ im ắng hơn rất nhiều. Kịch bản không có thưởng Tết đang đến rất gần, trở thành nỗi lo thường trực trong tâm trí mỗi người. Không có thưởng, Tết liệu có còn là thời gian nghỉ ngơi?
Rất mong ngay từ thời điểm này, Công đoàn các cấp sẽ chủ động tham gia với các cơ quan chức năng để nắm tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch. Đồng thời, tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng các nội dung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động trong dịp Tết.
Các cấp Công đoàn cũng cần chủ động nắm số lượng công nhân, người lao động có nhu cầu về quê nghỉ Tết, để qua đó xem xét thực hiện, tổ chức các hình thức hỗ trợ đưa người lao động về quê ăn Tết, đảm bảo đúng đối tượng, chu đáo, an toàn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.