Rút kinh nghiệm hai lần trước đến trễ vài phút phải quay về, lần này anh Nam rời nhà lúc 5h30. Cứ nghĩ đi sớm nhưng khi tới, anh thấy dòng người xếp hàng dài trước trụ sở Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức ở phường Thạnh Mỹ Lợi. Nhiều người có mặt từ lúc 4h.
"Số thứ tự của tôi là 1.082, dự kiến gần 12h mới tới lượt làm thủ tục. Nhiều người đến muộn, hết số thứ tự phải quay về", anh Nam nói và nêu lý do rút bảo hiểm xã hội lần để nghỉ làm về phụ việc gia đình. Với gần 6 năm đóng bảo hiểm, mức lương căn bản cao nhất 8,6 triệu đồng, số tiền dự kiến anh được nhận khoảng 70 triệu đồng.
Cũng là lần thứ ba đến làm thủ tục và có mặt trước 6h, bà Lâm Ngọc Dung, 56 tuổi, nhà ở phường Linh Đông, mới được cơ quan bảo hiểm TP Thủ Đức tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ một lần. "Mỗi lần đi tốn 140.000 đồng xe ôm mà đến nơi lại hết số", bà Dung nói. Lần này bà mang nước suối, bánh mì và ghế nhựa để ngồi đợi tới giờ mở cổng phát số thứ tự.
Bà Dung, anh Nam là hai trong số hơn 200 người được Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức tiếp nhận hồ sơ vào ngày 7/4. Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức Nguyễn Thị Minh Hòa cho biết từ sau khi thành phố dỡ bỏ các biện pháp giãn cách, lượng người đến làm thủ tục nhận trợ cấp một lần rất đông. Đặc biệt từ đầu tháng 4, số này tăng đột biến với mỗi ngày 350-500 người đến làm thủ tục.
Mỗi ngày cơ quan này chỉ có thể tiếp nhận tối đa khoảng 200 hồ sơ trực tiếp, gần 500 hồ sơ qua bưu điện nên nhiều người đến nhưng trở về, hôm sau quay lại. "Hơn 60% nhân viên bị nhiễm Covid-19, hồ sơ nhiều nên áp lực rất nặng nề, tình trạng quá tải không thể tránh khỏi", bà Hòa nói.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cho biết quá tải làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần không chỉ ở TP Thủ Đức mà xảy ra ở các quận 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, nhất là dịp đầu tháng. Ba tháng đầu năm, toàn thành phố có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021.
"So với cả nước, thành phố là địa phương có số người nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng", ông Mến nói.
Theo ông Mến, vừa qua TP HCM chịu tác động nặng nề do dịch, người lao động mất việc, đời sống khó khăn nên muốn nhận trợ cấp một lần để có thêm chi phí. Ngoài ra, nhiều người nghĩ đóng bảo hiểm ở đâu khi làm hồ sơ phải lên địa phương đó làm thủ tục, nên dù ở tỉnh họ vẫn lên thành phố để rút bảo hiểm.
Chưa kể, các quận, huyện ngoại thành, nơi có nhiều nhà máy, khu công nghiệp đang tiếp nhận một lượng lớn lao động từ Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An sang TP HCM làm thủ tục.
Để giảm áp lực cho những nơi quá tải, Bảo hiểm xã hội TP HCM phân bổ hồ sơ đã tiếp nhận về cấp thành phố hoặc các quận, huyện trung tâm hỗ trợ giải quyết. Cơ quan này cũng đang xây dựng quy trình tiếp nhận, mở lại kênh bưu điện, giao nhận hồ sơ tại nhà để người dân không phải đi lại nhiều.
Ông Mến cho biết thêm, theo quy định người dân có thể tới bất cứ cơ quan bảo hiểm xã hội nào đều được hỗ trợ làm các thủ tục liên quan. Do đó, để giảm áp lực và không phải chờ đợi, người lao động có thể lựa chọn nơi phù hợp, làm thủ tục nhận ở quê hay nơi cư trú chứ không nhất thiết phải lên TP HCM.
"Về lâu dài, chúng tôi tập trung tuyên truyền để người lao động hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, tiếp tục tích lũy số năm đóng, khi về già hưởng lương hưu", ông Mến nói.
Lê Tuyết