"Nhà tôi cũng có mặt tiền đường. Tôi không kinh doanh cũng không cho thuê vì bản thân gia đình có xe ôtô, cần ra vào cho thuận tiện. Ấy vậy mà tôi cứ phải canh chừng lối ra vào nhà mình như sợ bị trộm vậy. Tất cả cũng chỉ vì những tài xế sử dụng ôtô đòi đỗ xe trước nhà người khác.
Nói về những tranh cãi giữa chủ nhà và tài xế đỗ xe chắn cửa, tôi chính là một người trong cuộc. Tôi vừa có nhà mặt tiền đường không cho ai đỗ xe trước cửa nhà mình, nhưng đồng thời cũng là tài xế tham gia giao thông. Theo quy định, tuyến đường không có biển cấm thì ôtô được phép đỗ bình thường. Nhưng khổ nỗi, hầu hết nhà mặt đường, kinh doanh buôn án, chỉ có bề ngang mặ tiện rộng 4.5 mét. Trong khi đó, chiếc ôtô đỗ trước mặt đã chiếm hết 4 mét ngang rồi. Vậy thử hỏi người ta muốn đi ra, vào cửa hàng bằng cách nào mà nhiều người đòi đỗ xe?
Nhà tôi cũng có 4.5 mét ngang, cả khu phố nhà cửa cứ san sát như vậy. Cửa hàng liền nhau, vậy nên việc các chủ nhà mặt tiền không cho đỗ xe trước cửa cũng là điều dễ hiểu. Vỉa hè là của nhà nước quản lý, mọi người dân được quyền sử dụng, nó không của riêng ai kể cả chủ nhà ở trước mặt tiền đó. Nhưng làm ơn đừng vì lý do xe đường không cấm đậu ôtô mà cứ mặc sức dừng đỗ, bất chấp những ảnh hưởng, phiến toái đến chủ nhà mặt tiền.
Hiểu cảm giác khó chịu khi bị người khách đậu ôtô trước cửa nhà nên mỗi khi đi công chuyện, phải ghé vào đâu đó và dừng xe ở lề đường trước nhà dân, tôi luôn chủ động ghi số điện thoại cá nhân dán ở kính để họ tiện liên lạc khi cần. Tôi cũng đỗ xe ở vị trí giữa hai nhà dân liền kề, hạn chế bịt kín lối lên xuống của xe máy. Và tôi càng không bao giờ đỗ xe trước nhà người dân có mở cửa hàng kinh doanh. Đó là phép lịch sự tối thiểu, là văn hóa giao thông cơ bản, nhưng tiếc rằng nhiều người Việt chưa ý thức làm theo, để rồi lại lu loa mỗi khi bị chủ nhà chửi bới".
Đó là chia sẻ của độc giả Haivy Nguyen xung quanh câu chuyện "Đòi hỏi của những chủ nhà cấm đậu xe trước cửa" đang gây nhiều tranh cãi trên VnExpess. Những tranh luận trái chiều giữa chủ nhà mặt tiền và tài xế đậu ôtô trước cửa từ lâu đã là "cuộc chiến" không hồi kết. Bên nào cũng có lý do riêng để bảo vệ quan điểm của mình và phản đối hành động của bên còn lại.
>> 'Cấm đỗ xe trước cửa vì tư tưởng độc chiếm toàn bộ mặt tiền nhà'
Nói về vấn đề văn hóa dừng đỗ xe trước cửa nhà mặt phố, bạn đọc Mr Nhut nhấn mạnh: "Tôi là người có xe hơi, có công ty trong hẻm. Tại sao nhà mặt phố lại đắt hơn trong hẻm? Vì họ cần mặt bằng để làm ăn. Tuy pháp luật không cấm đậu việc đậu xe trước cửa nhà, chúng ta có quyền dừng đỗ ở những nơi không cấm, nhưng phép lịch sự tối thiểu là chỉ dừng chờ vài phút rồi đi ngay. Nếu muốn đỗ lâu hơn, tài xế nên chủ động xin phép chủ nhà một tiếng hơn là cứ mặc nhiên bỏ xe đấy rồi đi làm việc riêng hàng tiếng đồng hồ.
Còn về cá nhân mình, tôi luôn đậu xe ở những khu vực chỉ có mặt tiền đã đóng cửa (nhưng vẫn đảm bảo trong xe có số điện thoại liên lạc rõ ràng, cvà chừa lối cho chủ nhà ra vào. Còn nếu thấy nhà họ mở cửa, tôi sẽ vào tận nơi để xin phép đậu nhờ một chút trước khi đi. Chúng ta phải thấy rõ ràng, người kinh doanh ở mặt phố cũng cần làm ăn. Nếu ai cũng đánh đồng, cậy không có biển cấm mà giành hết phần đường trước cửa nhà người khác để đậu xe, thì có phải cách hành xử phù hợp hay không?".
Đồng quan điểm, độc giả Espada cho rằng, các tài xế Việt cần hình thành thói quen xin phép lịch sự chủ nhà trước khi đỗ xe chắn nhà mặt phố: "Nếu có việc ở đâu thì mỗi người nên cố gắng đậu xe ở đúng nơi quy định. Nếu không có chỗ đậu xe, chúng ta cần cố gắng đi tìm bãi giữ xe gần nhất. Cực chẳng đã mới phải đừng đỗ trước cửa nhà người khác.
Thế nhưng, thực tế, tôi thấy nhiều người luôn vin vào cái cớ đường không có biển cấm đỗ nên mặc sức dừng đỗ trước trước cửa nhà mặt phố, không quan tâm người ta có bị ảnh hưởng ra vào, kinh doanh gì không. Đó là hành động đi ngược với phép tắc lịch sự cơ bản của con người với nhau.
Tôi cho rằng, nếu chỗ đó không có bãi đậu xe, thì tốt nhất chúng ta nên tìm phương tiện khác. Như nhà tôi đi thăm người thân ở thành phố, phải vòng xe lại đậu ở bãi đất trống các một quãng xa rồi xuống đi bộ đến nơi. Nếu muốn đậu trước nhà người ta, tôi phải xem nhà họ có khóa ngoài không? Cực chẳng đã, nếu có việc cần đi khoảng 5-10 phút, tôi cũng phải vào hỏi xem người ta có cho phép mình đỗ không rồi mới đỗ? Nhờ vậy mà trước giờ tôi chưa từng bị ai dán giấy hay xịt sơn vì chuyện đỗ xe".
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.