Nhân câu chuyện "Bất lực với ôtô đỗ chắn cửa nhà", tôi cũng xin có vài ý kiến về vấn đề đang gây nhức nhối này:
Tôi thấy hiện nay có một bất cập, đó là Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, không quy định về việc xử phạt đối với hành vi đỗ xe chắn trước cửa nhà người khác. Đồng nghĩa với việc, nếu tài xế đã đỗ xe đúng quy định thì đương nhiên không bị xử phạt kể cả khi đỗ xe chắn trước cửa gây cản trở. Điều này dẫn đến rất nhiều rắc rối, phiền hà trong việc xử lý các trường hợp tài xế vô ý thức.
Theo quy định, người dân chỉ có quyền đối với phần đất theo ranh giới nhà mình. Còn hành lang đường, vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng do nhà nước quản lý. Do đó, nếu có tài xế nào đỗ ôtô trước cửa nhà, bạn cũng không được quyền tự xử lý. Bằng không, chính bạn còn có nguy cơ bị phạt ngược. Chính vì vậy, những chủ nhà như tôi chỉ có thể nhắc nhở và phụ thuộc vào sự hợp tác của tài xế (việc báo lực lượng chức năng chỉ có tác dụng khi tài xế đỗ xe sai quy định chứ không ai giải quyết cho bạn khi tài xế đỗ chắn cửa mà đúng luật).
Tất cả những bất cập đó vô tình đẩy các chủ nhà vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Đây cũng là lý do châm ngòi cho các cuộc ẩu đả, xô xát, trả đũa mãi không có hồi kết suốt thời gian qua. Nhiều trường hợp, tài xế đỗ xe chắn cửa còn không ngần ngại đấu tay đôi với người nhắc nhở. Những kiểu đỗ xe và cách ứng xử của chủ xe như vậy rất dễ gây bức xúc, làm tăng thêm sự căng thẳng trong mối quan hệ xã hội này.
>> Hai lần bị trả thù vì đỗ ôtô trước cửa nhà
Nhiều tài xế ngày nay cũng để lại số điện thoại trên kính xe sau khi đỗ xe và rời đi. Tôi cũng rất thông cảm cho họ vì có thể đang có việc gấp cần giải quyết nên mới làm vậy. Ấy thế nhưng không phải ai cũng đáp lại thiện chí của tôi một cách đúng mực. Tôi từng nhiều lần gọi điện cho các tài xế đỗ xe trước cửa nhà mình, nhưng nhọc một nỗi người thì không bắt máy, người thì "dạ vâng" nhưng nửa tiếng sau mới thấy quay lại đánh xe đi. Tôi không hiểu họ để lại số điện thoại làm gì? Hay chỉ là tấm bùa hộ mệnh phòng thân, văn minh nửa vời?
Là một người cũng có hiểu biết nhất định về pháp luật, đương nhiên tôi không dại gì phá xe họ để rồi bị vạ lây. Tôi thường chỉ âm thầm để lại mảnh giấy trên kính xe để nói cho họ biết "người văn minh không đỗ xe chắn cửa nhà người khác". Đôi khi tôi cũng chờ được họ ra và trách mắng mấy câu cho hạ hỏa. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy, không người này đỗ thì người khác đỗ, đơn giản vì pháp luật vẫn có kẻ hở thì người ta cứ mặc sức mà lách luật thôi. Chỉ có những người dân bị ôtô đỗ chắn cửa như chúng tôi là bị ảnh hưởng, thiệt thòi trong khi chẳng biết kêu ai.
Tôi không cổ xúy chuyện phá xe, đánh lộn, chửi bới người khác nhưng thử hỏi, người dân biết phải làm gì trong những trường hợp bị đỗ xe chẳn cửa nhà như thế này? Về lý họ không sai nhưng xét về tình liệu có công bằng cho chúng tôi?
Vẫn biết việc đỗ xe dưới lòng đường là biện pháp bất đắc dĩ khi không thể tìm được bãi đỗ xe xung quanh. Thế nhưng, các tài xế cũng cần lựa chọn vị trí đỗ phù hợp để không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, buôn bán hay sinh hoạt của người khác. Ai cũng cần sống và làm việc, đừng vì tiện cho mình mà làm phiền đến người khác.
Trong khi chờ những quy định pháp luật mới được bổ sung nhắm giải quyết những bất cập hiện có, tôi mong các tài xế trước khi đậu xe ở đâu, hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh người khác, để hiểu được cảm giác của họ. Đừng chỉ vô tình đặt lại mảnh giấy ghi số điện thoại trên xe cho có rồi bỏ đi, mặc kệ cho người khác vật lộn với cái khối hỗn độn do chính mình gây ra.
Điều 18 và Điều 19 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển phương tiện cần đảm bảo các quy định về đỗ xe trên đường như sau:
- Phải đảm bảo an toàn trước khi rời khỏi xe như: Có tín hiệu báo; cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng; xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm; xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh...
- Không được đỗ xe tại các vị trí sau: Bên trái đường một chiều; trước cổng trong phạm vi 05 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế; không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định;...
- Đỗ xe trên đường phố phải đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.
Hồ Bính
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.