Đọc bài viết "Tôi bị gọi là 'vô văn hóa' vì đỗ xe trước cửa nhà người khác", cùng những bình luận "ném đá" tài xế trong câu chuyện trên, tôi thấy thật nực cười trước suy nghĩ của những người này. Công dân Việt Nam được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, đó là điều được ghi rất rõ trong Hiến pháp. Thế nhưng rất nhiều người vẫn diễn giải theo kiểu "phép vua phải thua lệ làng" - không cấm đỗ nhưng vẫn không được đỗ.
Nếu con đường không có biển cấm dừng đỗ và không nằm trong khu vực bị cấm (cơ quan, trường học, bệnh viện), vậy điều nào, khoản nào trong luật nói là tài xế không được phép đậu xe? Còn việc đậu xe phải sát vỉa hè thế nào cũng được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ: cách lề đường tối đa 0,25 m. Nếu để ý, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sát lề đường thường có vạch kẻ liền màu trắng, đó chính là vạch kẻ ranh giới để các tài xế canh khi đỗ xe. Tức là đường được phép đỗ và người ta đã hướng dẫn cụ thể đỗ thế nào cho đúng luật.
Chỉ có một số người thiếu hiểu biết pháp luật hoặc biết nhưng cố tình bất tuân mới có giọng điệu chống đối, mắng chửi tài xế khi họ đỗ xe trước nhà mình. Thử hỏi, cả dãy phố không cấm dừng đỗ xe, nhưng nhà nào cũng ra đuổi ơi ời thì tài xế biết đậu ở đâu? Tại thành phố, không phải đường nào cũng bố trí khu vực sân bãi đậu xe đáp ứng đủ nhu cầu.
Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, đó mới là tôn chỉ hoạt động của bất kỳ một công dân văn minh nào. Cái gì pháp luật không cấm thì người dân được phép làm. Đừng có mang cái "lệ làng" ra để bao biện. Văn hóa là tuân thủ pháp luật chứ không phải là tuân theo cái "lệ làng" do bạn tự đặt ra. Tôi thấy buồn cười nhất là những người lý luận rằng: "Thử đặt trường hợp nếu đó là nhà của bạn mà có người khác đỗ xe chắn phía trước, đến khi gia đình có việc gấp nhưng xe không ra được thì sao?".
Tôi tin là chẳng tài xế nào muốn mang xe đỗ chình ình trước cửa nhà bạn rồi bỏ đi cả ngày đâu. Có thể một vài trường hợp thiếu ý thức mới làm vậy. Còn không, người ta luôn xác định chỉ đậu tạm một chút để giải quyết việc rồi đi ngay, chẳng hạn như đi gặp khách hàng, mua một món đồ... Nếu phải đỗ lâu hàng tiếng đồng hồ thì người ta đã chủ động tìm đến những chỗ gửi xe có tính phí cho thoải mái, an tâm rồi.
>> Tôi 'rửa xe' miễn phí ôtô đỗ chắn cửa nhà mình
Ấy vậy mà thực tế nhiều chủ nhà rất oái oăm, cứ thấy xe nào đến dừng đỗ trước nhà là lao ngay ra đuổi đi quầy quậy. Họ không cho ai đỗ dù chỉ một phút chứ đừng nói đến nửa tiếng. Họ cũng không cần nghe lời giải thích từ phía tài xế, không thông cảm hay giúp đỡ nhau. Cái đó gọi là tính ích kỷ chứ chẳng phải vì ảnh hưởng cá nhân gì to tát. Có khi họ bán hàng, bày bàn ghế tràn cả ra vỉa hè, chứ chẳng phải tài xế đỗ xe bịt kín cửa ra vào của họ. Họ còn cả khoảng vỉa hè để cho khách của mình để xe máy nữa là khác.
Nhiều người luôn có khuynh hướng giành những gì của chung về riêng cho mình. Chủ nhà giăng biển cấm tức là họ muốn chiếm giữ vỉa hè, lòng đường thành của riêng. Tất cả đều xuất phát từ nhận thức rằng: vỉa hè, lòng đường trước nhà họ mặc nhiên là của họ, họ có quyền chiếm hữu, sử dụng bất chấp pháp luật quy định thế nào?
Lắm nơi vỉa hè xây vuông vức, người ta còn tự ý đập phá làm lối lên xuống cho nhà mình, nên chuyện tăng xông khi thấy người khác đỗ xe trước nhà cũng chẳng lạ. Như vậy mới thấy rằng, chừng nào người Việt còn mang tư tưởng "phép vua thua lệ làng" thì còn lâu chúng ta mới văn minh, phát triển được. Nếu ai cũng tự cho mình cái quyền cấm cản người khác thế thì cần gì luật pháp nữa?
Đành rằng đang có việc mà tự nhiên có cái ôtô đỗ chắn lối không đi được thì cũng bức xúc đó. Nhưng ít nhất các bạn cũng đừng có tỏ thái độ hằn học, chửi bới vì theo lý tài xế đâu có sai nếu đó là nơi không cấm đỗ. Người lịch sự sẽ có cách ăn nói cẩn thận, nhẹ nhàng nhờ người ta dịch xe lên một chút để mình ra vào. Hãy giải quyết dựa trên cái tình người, chứ đừng tỏ ra mình thượng đẳng, đi cấm cản vô luật pháp như thế.
Nên nhớ, chỉ có Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên mới có quyền hạn ra lệnh cấm. Còn những biển "cấm đỗ xe" do người dân tự viết, vẽ lên giấy treo ở gốc cây, trước cửa, thậm chí sơn xuống lòng đường đều không có giá trị về mặt pháp luật. Thậm chí, hành vi đó có thể còn bị xử phạt.
>> Treo biển dọa xì lốp ôtô đỗ chắn cửa
Cá nhân tôi từng rơi vào một trường hợp rất dở khóc dở cười. Lần đó, tôi có việc nên cần đậu xe bên lề đường (tất nhiên là đường không có biển cấm đỗ xe). Tôi chủ động đỗ xe ở khoảng giữa hai nhà liền kề để không làm chắn lối đi của ai. Thế nhưng, nói thật, nhà ống mặt phố chia lô, bề rộng chỉ tầm 4-5m thì làm gì có chỗ nào tránh được tuyệt đối? Tránh nhà nọ thì vào nhà kia thôi.
Thế nhưng, tôi chưa kịp xuống xe thì một chủ nhà ra hối thúc tôi đánh xe lùi xuống để khỏi cản mặt tiền nhà họ. Thấy vậy, chủ nhà bên cạnh cũng lao ra không kém phần, bắt tôi tiến lên chứ nhất quyết không cho lùi. Một hồi rồi hai bên xảy ra cãi vã, chửi bới ỏm tỏi. Tôi bỗng nhiên thành người đứng giữa, tiến không được mà lùi cũng không xong. Nói chung, họ chỉ muốn bo bo giành phần cho mình chứ chẳng hề nghĩ cho người khác thế nào, kể cả hàng xóm. Họ không cấm tôi đậu xe ở đường này, chỉ miễn là đừng đậu trước nhà họ.
Biết mình chẳng vi phạm gì, nhưng không muốn dính vào phiền phức, tôi đành lủi thành đánh xe đi chỗ khác. Phía sau, hai nhà nọ vẫn cự cãi nhau một hồi lâu, và phải có người vào can chứ không sẽ thành ẩu đả. Nghĩ mới thấy, văn hóa nhường nhịn với người Việt vẫn còn là thứ gì đó xa xỉ lắm. Thế nên, mấy chuyện bé bằng con muỗi như cái chỗ đậu xe mới thành ra cuộc khẩu chiến hàng năm trời.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.