Cuộc khẩu chiến giữa chủ nhà và tài xế đỗ xe chắn cửa chưa bao giờ hạ nhiệt. Mới đây, mạng xã hội lại lan truyền đoạn video ghi lại cảnh chiếc ôtô bảy chỗ đậu bên lề đường ở Hà Nội bị quấn băng dính chi chít xung quanh cùng tờ giấy lớn ghi dòng chữ "Vô ý thức". Điều đáng nói, khu vực này không hề có biển cấm dừng đỗ. Tất cả chỉ xuất phát từ sự bức xúc của chủ nhà khi nhiều lần bị đỗ xe trước cửa hàng kinh doanh.
Theo chia sẻ của người này, đây không phải là lần đầu tiên chiếc ôtô trong video đậu chắn lối lên xuống vào cửa hàng. Những ngày trước đó, tài xế này cũng đã đậu xe ở đây gây ảnh hưởng đến việc buôn bán, tuy nhiên khi chủ nhà định nhắc nhở thì tài xế đã phóng xe vụt đi. Cũng trong đoạn video, nhiều người dân xung quanh cũng ủng hộ hành động trả đũa của nam thanh niên, liên tục hô hào: "Dán nữa đi cho chừa".
Chứng kiến hành động trên, tôi tự hỏi đường này không cấm đậu ôtô, vậy ai cho phép chủ nhà tự ý phá hoại tài sản của người khác như vậy? Nếu nói ảnh hưởng đến kinh doanh thì thử hỏi luật nào cho chủ nhà có quyền chiếm dụng cả phần lòng lề đường trước cửa? Tất nhiên, tôi không ủng hộ tài xế đậu xe ngang ngược hay có thái độ thách thức chủ nhà, nhưng nếu họ làm đúng luật, không vi phạm điều gì thì chủ nhà cũng không thể tự cho mình cái quyền dùng luật rừng để chiếm đất.
>> Luật 'rừng' cấm đỗ ôtô trước nhà mặt tiền
Nhiều người sẽ bao biện rằng, không ở trong hoàn cảnh đó thì không thể hiểu được sự bức xúc của chủ nhà bị đỗ xe chắn cửa. Nhưng với tôi, không thứ cảm xúc nào được phép lớn hơn pháp luật. Nếu là tôi đặt trong vị trí đó, việc đầu tiên tôi làm sẽ là nói chuyện thẳng thắn với tài xế, nhẹ nhàng nhắc nhở một cách lịch sự: "Vui lòng đỗ xe lùi lên hoặc lùi xuống một chút để lấy chỗ lên xuống, bán hàng".
Tôi tin khi chủ nhà ứng xử một cách văn minh như thế, các tài xế cũng sẽ lập tức điều chỉnh ngay. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều chủ nhà mang tâm thế "đây là đất nhà tôi" nên dùng giọng điệu hống hách để đuổi người khác đi, dẫn đến căng thẳng, thậm chí ẩu đả giữa hai bên.
Còn nếu trong trường hợp đã nói chuyện lịch sự nhưng tài xế vẫn không biết điều, tỏ thái độ ngang ngược, tôi sẽ báo lên chính quyền địa phương để nhờ lực lượng chức năng xuống xử lý, phân giải đúng sai, thay vì tự ý trả đũa theo ý mình. Nếu việc đỗ xe của tài xế thực sự gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc kinh doanh của bạn, chắc chắn họ sẽ bị xử lý.
Nói tóm lại, trong mọi trường hợp, tất cả đều phải coi trọng thượng tôn pháp luật, đừng đặt mình lên trên luật pháp, cho mình cái quyền "thay trời hành đạo" rồi nghĩ thế là hay. Một xã hội văn minh không cho phép con người ta dùng bạo lực hay trò bẩn để giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Vì thế, muốn các tài xế cư xử văn minh, tôi cho rằng bản thân các chủ nhà cần phải giữ sự bình tĩnh và ứng xử một cách có văn hóa trước đã.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.