Trong văn hóa người Việt, việc đậu xe trước cửa nhà xưa nay vốn được xem là một hành vi thiếu ý thức và bị lên án nặng nề. Dù thực tế, xét về mặt pháp lý, nếu đoạn đường không có biển cấm dừng, đỗ xe thì việc tài xế đậu xe trước cửa nhà là hoàn toàn không phạm luật.
Khoản 4 Điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rất rõ các trường hợp cấm dừng, đỗ: bên trái đường một chiều; song song với một xe khác đang dừng, đỗ; nơi đường giao nhau và trong phạm vi năm mét tính từ mép đường giao nhau; nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; nơi dừng của xe buýt; làm che khuất biển báo hiệu đường bộ...
Ngoài ra, người điều khiển ôtô khi dừng, đỗ xe trên đường phố cũng phải chọn vị trí sát lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình. Bánh xe không được cách lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trong trường hợp đường phố hẹp, vị trí dừng đỗ cách ôtô đang ở bên kia đường từ 20 mét trở lên. Người điều khiển không được phép dừng, đỗ phương tiện trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành cho xe chữa cháy lấy nước...
Những tranh cãi gay gắt về khía cạnh pháp lý của việc đỗ xe trước cửa nhà người khác đã được bàn đến nhiều, ai cũng có cái lý của mình, nên trong phạm vi bài viết này, tôi xin không đề cập lại nữa. Đúng - sai, thiếu sót, bất cập thế nào, xin dành lại cho các nhà quản lý giao thông. Ở đây, tôi chỉ muốn nói với văn hóa ứng xử của chủ nhà khi bị ôtô đỗ chắn cửa.
>> 'Ôtô đỗ trước cửa hàng cản trở kinh doanh là lý do cảm tính'
Vẫn biết việc bị người khác đỗ xe chắn cửa sẽ gây rất nhiều khó chịu cho chủ nhà. Nhiều trường hợp, hành động này còn gây cản trở nghiêm trọng tới sinh hoạt và công việc kinh doanh của các hộ dân mặt phố. Không ai muốn bị làm phiền nên việc chủ nhà có phản ứng gay gắt với các tài xế cũng là điều dễ hiểu. Không thể cứ lấy lý do "đường không cấm đậu" để tự cho mình cái quyền muốn dừng, đỗ thế nào cũng được.
Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp chủ nhà không thể ra vào bình thường chỉ vì bị ôtô đỗ chắn ngang cửa. Nếu xe đạp có thể bê qua, xe máy cố lắm cũng lách qua được để ra ngoài, chứ nhà nào có ôtô thì chịu chết, chẳng còn cách nào khác ngoài việc chờ chủ xe đỗ chắn cửa đến rời xe đi chỗ khác. Đáng nói, nhiều tài xế cũng vô ý, đỗ xe trước cửa nhà người khác nhưng không nói một câu, cũng chẳng để lại số điện thoại liên lạc trong trường hợp khẩn cấp. Họ đến đỗ xe ở đó rồi bỏ đi đâu rất lâu, lúc về cũng tỉnh bơ như không, thậm chí khiêu khích chủ nhà. Ngọn lửa giận dữ của người bị ôtô đỗ chắn cửa cũng bắt đầu từ đó.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chuyện đỗ xe dưới lòng đường âu cũng là biện pháp bất đắc dĩ khi người điều khiển không thể tìm được bến, bãi đỗ xung quanh. Đây là vấn đề thuộc về hạ tầng đô thị khi không quy hoạch đủ bến đậu xe cho lượng xe ngày một quá tải. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu những khó khăn đó của người đi ôtô và biết cách cư xử có chừng mực để chủ xe nể phục và không muốn tái phạm thêm lần nữa.
Đi đường bây giờ, tôi thấy một vài hành động tự phát ngăn ôtô đỗ trước cửa của người dân như: đặt biển "cấm đỗ"; dùng gạch đá; bàn ghế chặn trước cửa; kẻ vạch chiếm chỗ; cử người canh gác, đuổi tài xế có ý định tới dừng đỗ... Đương nhiên, tất cả những hành vi trên đều không đúng với quy định của pháp luật, góp phần làm bộ mặt đô thị thêm nhếch nhác và làm căng thẳng thêm giữa các bên. Cá nhân tôi không ủng hộ cách làm đó bởi nó không hề văn minh hay dẹp được tận gốc tình trạng này.
Một số người khác vì quá bức xúc đã dùng bút, sơn, vật nhọn để viết, vẽ, cào xước xe đỗ chắn cửa, nhằm trả đũa tài xế. Chuyện này chắc chắn càng sai hơn. Bạn hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật vì hành vi phá hoại tài sản người khác của mình.
>> Bài học cho tài xế đỗ ôtô chắn cửa
Thực ra, những chuyện này rất ít khi xảy ra ở các nước văn minh, nơi người ta luôn tôn trọng pháp luật và tôn trọng người khác. Đối với những chủ nhà bị ôtô đỗ chắn ngang cửa, họ đơn giản chỉ việc giữ thái độ bình tĩnh, viết một tờ giấy nhắn để trước kính xe để nhắc nhở tài xế đỗ xe có ý thức hơn. Trong trường hợp gấp, họ gọi điện cho cơ quan chức năng để xử lý hoặc kêu gọi sự trợ giúp của những người xung quanh để dịch chuyển chiếc xe ra chỗ khác. Tuyệt đối không có chuyện tự ý khóa xe, sơn, vẽ, cào xước xe, đập kính, chọc lốp, phá gương hoặc có các hành vi cố ý hủy hoại tài sản, xúc phạm tài xế. Những việc làm đó chỉ khiến bạn bị kiện ngược lại mà thôi.
Bị ôtô đỗ chắn cửa, người văn minh sẽ biết cách bình tĩnh ứng xử, nhắc nhở khéo léo, thay vì giữ thái độ hằn học, trả đũa. Tiếc rằng, trong xã hội Việt hiện nay, vẫn còn quá ít những người làm được như vậy. Trong lúc chờ pháp luật hiện hành được bổ sung, chính lý cho phù hợp với điều kiện hiện tại, tôi hy vọng người Việt cũng có thể hành xử với nhau một cách bình tĩnh và văn minh như thế.
Người cần đỗ xe trước cửa nhà người khác hãy quan sát, đỗ sao cho hạn chế cản trở nhất có thể, để lại số điện thoại và lời xin lỗi làm phiền trước khi rời đi. Chủ nhà bị ôtô đỗ trước cửa cũng nên nhẹ nhàng bỏ qua nếu không quá cần thiết, gọi điện cho chủ xe khi cần rời đi, gọi điện cho cơ quan chức năng trong trường hợp khẩn cấp. Tôi cho rằng, đây là những việc ai cũng có thể làm được, miễn là chúng ta có tinh thần xây dựng, giảm bớt cái tôi cá nhân của mình xuống và tôn trọng, nhường nhịn người khác nhiều hơn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.