Tôi rất đồng ý với nhận xét của tác giả bài viết "Cấm đỗ xe trước cửa - 'quyền lực ảo của nhà mặt phố'" về việc chủ nhà mặt tiền chiếm dụng vỉa hè bất hợp pháp. Nhưng tôi không nghĩ người ta "ngộ nhận". Tôi nghĩ những người này hiểu rất rõ mình đang làm sai nhưng vì lợi ích cá nhân nên vẫn bất chấp.
Tôi cũng rất ái ngại với việc cho phép chủ nhà mặt phố mua suất đậu xe dưới lòng đường. Bởi chỉ cần 30 người giàu thuê suất đỗ xe như vậy thì không ai khác còn chỗ để đậu xe, dù việc này có được chính quyền địa phương công nhận. Đường là của chung nên ai đến trước đậu trước mới hợp lý.
Bạn chỉ có quyền cấm người ta đỗ xe chắn lối ra vào. Nếu là nhà có chỗ để ôtô thì phải chừa đủ chỗ cho xe ra vào. Nếu là lối của xe máy thì chỉ cần dành đủ cho xe máy. Nhưng thực tế, nhiều chủ nhà chiếm toàn bộ chiều ngang của mặt tiền nhà, dù họ có ôtô hay không.
Ở những nước phát triển, người duy nhất có vấn đề với việc bạn đậu xe quá lâu ở trước cửa hàng người khác là CSGT, nếu bạn không trải phí đậu xe hay đậu vào giờ cấm. Còn tôi khi đi mua đồ, hiếm khi được đậu trước cửa của shop. Thay vào đó, tôi cứ lái cho đến khi tìm được chỗ đậu rồi đi bộ lại chỗ cửa hàng mình muốn mua. Nếu là đồ nặng thì tôi chọn dịch vụ giao hàng, hoặc đi taxi, hoặc mang theo xe đẩy... đơn giản vậy đấy.
Ở xã hội Việt, đường nhỏ còn xe đông, nên mọi người càng phải chấp nhận đậu xe ở bất kỳ nơi nào có chỗ đậu tử tế, rồi đi bộ lại chỗ mình muốn đến. Hai ba trăm mét cũng phải đi. Vấn đề là ý thức, chứ không phải là không có cách giải quyết.
Quyền sử dụng đất của chủ nhà chỉ nằm trong diện tích ghi trong sổ đỏ. Ngoài phạm vi đấy, ai cũng có quyền dùng ngang nhau. Nếu chủ nhà cần phải chuyển dọn hàng, họ sẽ phải tự sắp xếp thời gian và người cho hợp lý. Ở bất cứ quốc gia phát triển nào cũng thế, từ Australia, Mỹ, đến Canada, Pháp... đều như vậy cả. Ở những nước đấy, không ai quan tâm người đậu xe trước cửa hàng có phải là khách của mình hay không. Người ta không quan tâm là vì họ không có quyền xua đuổi người khác.
>> Bất lực tìm chỗ đỗ xe vì nhà mặt tiền coi lòng đường là của riêng
Hai tháng trước, tôi bay sang Canada có chút việc, và đã thuê một căn hộ ở tạm. Một hôm, tôi đỗ xe đúng số nhưng sai tầng. Sáng hôm sau, tôi nhận ngay một vé phạt 35 đôla Canada, và kèm theo một tờ giấy cảnh báo của chủ nhân chỗ đậu xe đó: "Anh chị vui lòng di chuyển xe trong vòng 24h, nếu không tôi sẽ cho xe đến kéo". Cách hành xử đó cho thấy người dân của họ rất lịch sự và cảm thông. Họ hoàn toàn có thể kéo xe của tôi đi ngay lập tức nhưng đã không làm vậy.
Câu chuyện phản ứng của các chủ nhà khi bị ôtô đôc trước cửa, ngoài vấn để ý thức, còn là tư duy của người không hiểu luật. Vỉa hè và lòng đường là của chung. Chỉ cần người ta dành đủ không gian cho phương tiện của bạn ra vào là đủ. Nhà bạn 10 mét chiều ngang, người ta chỉ cần chừa đủ 3 mét cho bạn. Phần còn lại, bạn không có quyền vì đây là đất công.
Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình là ở ta nhiều người đậu xe vô cùng ích kỷ và thiếu ý thức. Thế nên, cơ quan chức năng cũng nên phát triển dịch vụ kéo xe và nên mạnh tay với những tài xế đậu chắn lối ra vào của nhà dân bên đường. Làm đủ cứng rắn, đủ nhanh, đủ mạnh, tôi tin sẽ dẹp loạn khá nhiều tài xế đậu ẩu.
Cuối cùng, tôi chỉ hy vọng một ngày nào đấy, vì sự phát triển của đất nước, cơ quan chức năng sẽ tập trung xử lý những vi phạm xâm chiếm vỉa hè và lòng đường của nhiều người bảo thủ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.