Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Thủ đô đang có khoảng 6,9 triệu phương tiện giao thông và 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh thường xuyên ra vào. Tốc độ gia tăng số lượng xe nhanh chóng khiến nhu cầu đỗ xe của người dân càng trở nên bức thiết. Thiếu chỗ đỗ xe, nhiều người lâm vào cảnh bạ đâu đỗ đấy, gây cản trở giao thông và cản trở cả chính những chủ nhà, nơi mà họ vô tình và cả cố ý dừng đỗ. Cũng từ đây, cuộc chiến giành chỗ đỗ xe nổ ra giữ một bên là những tài xế không tìm ra nơi đậu xe và những chủ nhà bị ôtô đỗ chắn mặt tiền.
Trong vị trí là một người thường xuyên bị chủ nhà mặt tiền phản ứng dữ dội mỗi khi đỗ xe phía trước cửa nhà, độc giả Jimmy Teo bức xúc: "Đây là câu chuyện phép vua thua lệ làng. Từ lâu, lòng đường, lề đường cho người đi bộ, cũng nghiễm nhiên được chủ nhà coi như sân nhà riêng của mình, dù bất cứ ở đâu. Tôi đã một lần gặp phải tình huống trớ trêu khi vừa dừng xe sát lề đường và đợi người nhà đi ra thì ngay lập tức từ một người đàn ông lớn tuổi xông ra, cầm cây đập vào đầu xe tôi khiến xước capo, móp vỏ. Nhà đó không có ôtô và tôi cũng không đậu vào nơi có dốc lên xuống của họ.
Khi tôi lên tiếng phân trần đúng sai thì người nhà họ đồng loạt xông ra, hùa theo và chửi bới, đe dọa tôi. Họ bảo đây là chỗ lên xuống của người trong nhà nên một mức đuổi tôi đi ngay lập tức. Vợ con tôi sợ quá nên hối tôi chịu nhịn và đánh xe đi chỗ khác. Sau đó, quá bức xúc, tôi đã gọi điện thẳng cho công an phường đến giải quyết. Nhưng họ cũng chỉ ậm ừ rồi khuyên tôi nên tránh đi chỗ khác rồi đậu.
Nói thật, xe của tôi có bảo hiểm nên chuyện trầy xước cũng không sao cả, nhưng thứ khiến tôi ức chế nhất là bản thân đã đóng đủ phí đường bộ, nơi này có biển cho phép đậu xe, vậy mà luật vẫn không bằng ông chủ nhà. Ở đây, vấn đề nằm ở nhận thức của người dân. Để giải quyết chỗ đậu xe của thành phố, tôi cho rằng phải có sự chung tay ráo riết của chính quyền, tuyên truyền và xử lý mạnh tay hành vi phá hoại, lấn chiếm đường làm tài sản riêng như thế này".
>> Tăng xông vì bị ôtô đỗ chắn cửa nhà
Thực tế, do thiếu quy định phân giải, xứ lý, nên nhiều chủ nhà mặt tiền có hành động cấm cản, thậm chí giăng bẫy các tài xế cố tình đậu xe trước cửa nhà mình. Những tấm biển cấm đỗ xe tự chế; những chiếc ghế nhựa, gạch đá án ngữ lòng đường; thậm chí những bẫy chông, cọc sắt... được ncác chủ nhà bày ra nhằm "tuyến chiến" với người lái xe, là những hình ảnh không còn lạ lẫm ở nhiều thành phố lớn. Không ít vụ ẩu đả, phá hoại tài sản người khác, dẫn đến thương vong cũng khiến không ít người vướng vòng lao lý.
Trong khi đó, thông cảm cho những bức xúc của chủ nhà bị ôtô đỗ chắn cửa, bạn đọc Le Anh Hoang phản biện: "Đừng nói chuyện phép vua thua lệ làng. Nếu trước cửa nhà bạn cứ có một ôtô đỗ lù lù trong khi vỉa hè lại bé, thì ngay cả nhà bạn không buôn bán, kinh doanh, chỉ đi xe máy (tức vẫn đi ra được), có lẽ bạn cũng không thể không ức chế. Nếu họ chỉ đỗ một lát rồi đi ngay thì còn đỡ nhưng nhiều tài xế đỗ tràn lan, rất lâu, chưa kể hết người này này đi lại có người khác đến đỗ ngay vào.
Trên thực tế, chỗ cấm đỗ xe không nhiều, nhưng chỗ có thể đỗ xe thì chỉ trừ khu vực tường rào cơ quan (ít ảnh hưởng) còn phần lớn trước cửa nhà dân thì tôi dám chắc phần nhiều họ không thoải mái chút nào. Vấn đề ở đây là chỗ đỗ xe trong thành phố quá ít, trong khi ngày càng có nhiều người mua ôtô nhưng không hề nghĩ đến chỗ đỗ (thậm chí nhiều nhà tận trong ngõ sâu cũng mua ôtô dù chẳng còn chỗ đậu). Phố nhà tôi có đoạn ôtô đỗ hàng ba trên lòng đường luôn. Đó là một bất cập cần sớm được giải quyết".
Đồng quan điểm, độc giả Dan Den cho rằng, thiếu chỗ để ôtô đang là bài toán cấp thiết để giải quyết tận gốc cuộc chiến giành chỗ đỗ xe: "Số lượng ôtô cá nhân ở các thành phố lớn của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng đang tăng lên hàng ngày, nhưng quy hoạch bãi xe tĩnh của thành phố thì không đáp ứng đủ. Nhiều khi tôi vẫn muốn có chỗ đỗ xe có thu phí nhưng tìm không ra, hoặc nếu có thì nhân viên trông giữ xe cũng không xé vé.
Hiện nay, các chung cư đang hoặc đã mọc lên cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu nơi gửi xe cho người dân, nên chủ xe phải tỏa đi gửi tại các bãi tự phát, không đảm bảo điều kiện an toàn. Tôi đơn cử các chung cư dọc trục Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Lê Văn Thiêm của quận Thanh Xuân, cư dân các nhà chuyển về ở sau đều không có chỗ đỗ xe nên họ phải gửi tại các bãi đất, công ty đang chờ xây thêm chung cư. Thành phố cần quy hoạch các bãi đỗ xe tĩnh để phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân khu vực này".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.