Đọc bài viết "Tôi không tuyển dụng sinh viên 'nghiện' làm shipper", tôi rất đồng cảm với suy nghĩ của tác giả Quang Huy. Ngày nay, nhiều bạn trẻ là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng đổ xô đi chạy xe ôm công nghệ, làm shipper đến mức bỏ bê việc học, thậm chí từ bỏ tấm bằng cử nhân để lao theo công việc "dễ kiếm tiền" này.
Tôi luôn quan niệm, là sinh viên, nếu gặp khó khăn, bạn có thể làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm, từ chạy xe ôm, làm shipper, dạy thêm hay tiếp thị, phát tờ rơi... để trang trải cuộc sống. Nhưng bạn phải nhớ một điều rằng, làm thêm là phụ, việc học mới là quan trọng nhất. Khi làm thêm trong thời gian đi học, bạn sẽ có thêm nhiều trải nghiệm từ vui sướng, đến cực khổ. Từ đó, bạn sẽ tìm ra định hướng cuộc đời mình sau này sẽ làm gì, trở thành người như thế nào?
Sau khi ra trường, hãy cố gắng làm những việc đúng chuyên môn, sở trường, làm việc với cái tâm và cố gắng học hỏi để làm tốt nhất công việc tại vị trí được nhận. Nếu đã qua ba tháng thử việc và đồng ý làm tiếp, bạn hãy cố bám trụ hết ba năm đầu, làm hết sức có thể. Quãng thời gian đó sẽ cho bạn có cái nhìn rộng hơn và đánh giá được lộ trình phát triển bản thân sau này, định hướng phát triển của công ty... Song song với đó, bạn sẽ học thêm được kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc và tích lũy kiến thức, kỹ năng cho mình.
Hãy đặt mục tiêu cho bản thân, ít nhất trong vòng ba năm đầu, bạn phải phấn đấu lên được vị trí Trưởng nhóm, ít nhất 5-6 năm sau phải lên được chức Trưởng phòng. Nếu lộ trình công danh tại công ty bạn đang làm không rõ ràng, hãy cân nhắc quyết định làm tiếp để thăng tiến hoặc tìm một công ty khác tốt hơn. Sau 5-6 năm đi làm, bạn phải quyết định được bạn muốn làm gì, vị trí xã hội thế nào, lương bao nhiêu, tiếp tục làm thuê học hỏi thêm kinh nghiệm hay khởi nghiệp...? Đó là cách để bạn có thể xác định những bước đi kế tiếp của cuộc đời mình và sau này không phải hối tiếc.
>> Những sinh viên mộng mơ làm shipper kiếm 15 triệu đồng
Tất nhiên, không ai sinh ra mà có luôn kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, tiền bạc, hay địa vị cả. Nên nhớ, cuộc sống của mỗi người phụ thuộc 70% vào thái độ của bạn, 20% là kỹ năng và kinh nghiệm, cùng 10% là kiến thức bạn được học. Muốn có cây trái để ăn thì bạn phải trồng cây và chăm bón ngay từ bây giờ. Các công ty luôn tìm kiếm một ứng viên với thái độ tốt, bởi kỹ năng có thể học hỏi và kiến thức có thể đào tạo, nhưng một người có thái độ không tốt thì không một công ty nào muốn nhận.
Bất kỳ một nền kinh tế nào cũng vậy, không một ai thích những kỹ sư, cử nhân đi chạy xe ôm hay làm shipper cả. Điều đó vừa làm lãng phí công sức giảng dạy của thầy cô, lãng phí cơ sở vật chất đầu tư của nhà trường, lãng phí ngân sách của nhà nước đã đóng góp để đào tạo. Bạn sẽ nghĩ gì khi thấy những anh kỹ sư, cử nhân làm shipper, chạy xe ôm đầy đường? Đội ngũ lao động trí thức lại suốt ngày rong ruổi ngoài đường, giao vài món hàng vặt, làm những công việc tay chân vốn thuộc về các lao động phổ thông, các chú lớn tuổi, các bác nghỉ hưu khó khăn, hay các em tân sinh viên nhà nghèo...
Vì thế, tôi mong, các bạn kỹ sư, các cử nhân đại học hãy từ bỏ những công việc nhàn hạ, không cần đến chất xám, mà tìm cho mình hướng đi khác. Các bạn hãy chịu khó đầu tư thời gian và công sức cho công việc mình được đào tạo và cuộc đời sẽ không phụ lòng những ai cố gắng. Có thể hôm nay bạn chưa có kinh nghiệm, lương có thể thấp hơn mấy anh xe ôm hay shipper, nhưng nếu bạn làm việc bằng cái tâm và vận dụng tất cả những kiến thức đã được học, tích lũy thêm kinh nghiệm, siêng năng, chịu khó, tôi tin một ngày nào đó, các bạn sẽ làm được nhiều việc lớn, hưởng mức lương cao, có địa vị xã hội, xứng đáng với niềm tin mà gia đình, nhà trường, và xã hội đã trao cho bạn.
Phuoc Tan
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.