Tôi là một tài xế mới đăng ký chạy xe ôm công nghệ được gần hai tháng. Đến giờ, tôi đã hoàn thành được hơn 200 cuốc xe. Từ khi bắt đầu công việc này, tôi hay nhận được những câu hỏi từ khách hàng, kiểu như: "Em chạy xe mỗi ngày có kiếm được 500.000 đến 600.000 đồng không?", hay "chạy xe công nghệ giờ chắc kiếm tốt lắm nhỉ, hơn cả nhân viên văn phòng?". Thực tế, sau một thời gian trực tiếp trải nghiệm, tôi phải thừa nhận rằng làm xe ôm công nghệ không hề "ngon" như nhiều người vẫn nghĩ.
Đầu tiên, để trở thành một tài xế xe ôm công nghệ, ngoài các loại giấy tờ cá nhân mà hãng xe yêu cầu, bạn còn phải bỏ tiền mua đồng phục, nón bảo hiểm (tổng hết 400.000 đồng là gói thấp nhất). Đó là hai thứ bắt buộc mà bất cứ tài xế nào cũng phải có, nếu không mặc sẽ vi phạm quy định của hãng và không được hoạt động hoặc bị phạt tiền.
Nói về thu nhập thực tế, một tài xế xe ôm công nghệ chạy đều kiếm được 10 triệu đồng một tháng đã là chuyện rất khó, vì không phải ngày nào cũng duy trì được thu nhập 300.000 đến 400.000 đồng. Đôi khi, tôi phải chạy liên tục 12 tiếng đồng hồ mới kiếm đủ số tiền ấy. Tính trung bình, một cuốc xe khoảng 2 km có giá 13.000 đồng, trong đó tài xế được hơn 8.000 đồng, chưa trừ tiền xăng, vừa rồi mới tăng thêm 1.000 đồng thành hơn 9.000 đồng.
Nếu chạy hơn 20 km, tiền cước hơn 100.000 đồng, sau khi hãng trừ các loại thuế và chiết khấu thì tài xế còn lại 70.000 đồng, trừ thêm tiền xăng thì còn lại khoảng 50.000 đồng, chưa tính các khấu hao khác (nhớt, hao mòn nhông sên dĩa, lốp...). Tất nhiên, trong cuộc đua cạnh tranh giữa các hãng, giá càng rẻ thì mới có khách, đồng nghĩa với việc thu nhập của tài xế cũng bị ép xuống thấp nhất có thể.
>> 'Cử nhân làm shipper là lãng phí chất xám của xã hội'
Không biết các tài xế xe ôm công nghệ khác cảm thấy thế nào về công việc này, chứ cá nhân tôi đôi khi thấy rất mệt mỏi. Cứ 10 khách lên xe thì có tới một nửa liên tục hối thúc chạy nhanh. Trong khi đó, trước đó, khi tôi đến đón thì khách vẫn còn ở trong nhà, bắt tài xế phải chờ đâu đó cả 5 phút. Nếu đi không đúng ý của họ, không chịu chiều khách, tài xế ngay lập tức bị đánh giá một sao, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập.
Nguyên tắc của tôi là dù khách gấp gáp cỡ nào thì an toàn khi chạy xe vẫn luôn là ưu tiên số một. Tôi sẽ cố gắng chạy nhanh hơn một chút khi khách có yêu cầu vì việc gấp, nhưng tôi sẽ không bất chấp để vượt ẩu, phóng nhanh, vì tôi không đánh đổi sự an toàn của bản thân và khách hàng chỉ vì mấy chục ngàn cho một cuốc xe.
Tôi cũng mong rằng, bất cứ hành khách nào, nếu thấy tài xế đi quá nhanh, đi ẩu, vi phạm luật giao thông, hãy lập tức yêu cầu tài xế chạy xe an toàn, cẩn thận hơn. Tôi không tin có tài xế nào có thể từ chối yêu cầu chính đáng này. Đây cũng là cách để hình ảnh người tài xế xe ôm công nghệ trở nên tốt đẹp hơn trong mắt mọi người.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.