Sau khi đọc bài viết "Những sinh viên mộng mơ làm shipper kiếm 15 triệu đồng", tôi có vài suy nghĩ về những hệ lụy của nghề shipper đối với thế hệ sinh viên hiện nay:
Những năm gần đây hàng loạt mô hình xe công nghệ ra đời bao gồm vận chuyển hành khách và giao nhận hàng hóa. Điều này là phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội hiện đại. Mô hình này cũng góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động phổ thông. Tuy nhiên, vì sự phát triển quá nhanh, quá mạnh của mô hình này, đã thu hút một lượng sinh viên không nhỏ từ các trường hệ Trung cấp đến Đại học ở các thành phố lớn tham gia.
Không thể phủ nhận, công việc này đã tạo ra một nguồn thu nhập không hề nhỏ đối với các bạn sinh viên. Việc chạy xe công nghệ cũng giúp cho sinh viên kiếm thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi, qua đó giảm tải một chi phí sinh hoạt trong quãng đời sinh viên. Tuy nhiên, mô hình này, cùng với cách làm của các sinh viên tham gia hoạt động và kiếm thu nhập từ mô hình xe công nghệ đã làm thay đổi kế hoạch ban đầu mà các bạn đặt ra là khi bước chân vào giảng đường - đó là cầm tấm bằng đào tạo chuyên môn để vào đời.
Không ít các sinh viên trong quá trình kiếm thêm thu nhập từ công việc shipper đã bị cuốn theo, xao nhãng và quên đi nhiệm vụ chính của mình là phải giành lấy tấm bằng tốt nghiệp như kỳ vọng của gia đình và của chính họ khi đến với cánh cửa các trường đại học. Trong số đông thế hệ sinh viên này, nhiều bạn vì quá mải kiếm tiền bằng cái nghề rất dễ dàng được nhận này nên sinh ra ảo tưởng có thu nhập cao hơn nhiều so với một sinh viên tốt nghiệp ra trường.
>> Nghĩ ngắn khi coi chạy xe ôm công nghệ là nghề chính
Nói thêm, phần lớn các sinh viên tốt nghiệp ra trường cầm tấm bằng trong tay, xin những công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo, với mức lương từ 8 đến 15 triệu đồng một tháng. Đây là mặt bằng chung mức lương sinh viên mới ra trường. Trong khi đó, các sinh viên vừa học vừa làm shipper có thể có thu nhập từ 10 đến 20 triệu mỗi tháng ngay khi còn đi học. Nhưng họ đâu biết rằng, khi nhận được mức thu nhập này, họ cũng dần quên luôn công việc chính của mình là học tập. Và thực tế, đã có những sinh viên nghỉ học để mưu sinh bằng cái nghề "dễ kiếm tiền" này.
Nhìn ở khía cạnh xã hội học, chính bản thân thế hệ này đã lãng phí một nguồn lực có trình độ cao và gắn tương lai của mình với công việc của lao động phổ thông. Các sinh viên, cử nhân thất nghiệp đi theo công việc shipper, lâu dần sẽ sinh lười và không muốn tìm kiếm công việc đúng chuyên môn để làm. Họ đã, đang và sẽ tạo ra một hệ trẻ với tư tưởng lười xin việc đúng chuyên môn, mà chọn tranh giành công việc với các lao động phổ thông. Việc này sẽ dẫn đến sự lãng phí nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.