Tác giả Quý Nguyễn là doanh nhân sống tại TP HCM, chia sẻ bài viết xung quanh vấn đề học sinh có thể được dùng điện thoại trong lớp học:
Mới đây Bộ Giáo dục đã ban hành thông tư, quy định lại các hành vi học sinh không được làm, trong đó chỉ cấm học sinh sử dụng điện thoại di động và các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho học tập và không được giáo viên cho phép. Hay nói cách khác, học sinh có thể được phép sử dụng điện thoại hay các thiết bị khác phục vụ cho việc học tập trong giờ học khi có sự cho phép của thầy cô giáo. Việc này gây không ít băn khoăn cho phụ huynh, ý kiến hoan nghênh cũng không ít mà ý kiến phản đối cũng nhiều
Ý kiến hoan nghênh thì cho rằng, thời buổi bây giờ là thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, nó giúp ích rất nhiều cho cả thầy và trò trong việc dạy và học. Rất nhiều tài liệu hữu ích có sẵn ngay trên mạng mà không cần phải ra nhà sách như trước đây, hoặc như ngay trong dịch Covid-19, nhờ có học online, thầy và trò dù không thể đến trường nhưng việc học và thi vẫn diễn ra bình thường. Ngoài ra, trẻ con bây giờ tiếp cận công nghệ thông tin khá sớm, nếu có cấm khó mà cấm được.
>> Gánh nặng học nhiều để giỏi hơn đời cha mẹ
Ngược lại, ý kiến phản đối thì cho rằng rất khó kiểm soát các em khi cho phép các em sử dụng điện thoại, đặc biệt là điện thoại thông minh sau giờ học. Bởi một lẽ đơn giản, mặt tốt của thông tin trên mạng thì đã rõ, nhưng mặt xấu của nó cũng không thiếu.
Chuyện truy cập các trang web đen ở lứa tuổi từ trung học cơ sở giờ cũng chẳng lạ, vì giờ mấy em trưởng thành sớm hơn trước. Nhưng chuyện hẹn hò băng nhóm qua Facebook đánh nhau cũng đã từng xảy ra. Chuyện nghiện ngập game rồi bê trễ học hành cũng không hiếm. Vì vậy, phụ huynh lo lắng cũng là có cơ sở
Tôi có một ông bạn, ông vốn cũng là dân trí thức, thấy thằng con mình cuối tuần cứ xin qua nhà ngoại chơi suốt. Sinh nghi, ông theo dõi thì mới hay, qua đó để ra tiệm chơi game với anh họ. Ở nhà ngoại, cậu mợ đi làm cuối tuần, mà ngoại thì đã lớn tuổi, lại chiều chuộng cháu. Về nhà, ông nói với vợ, vợ giận lẫy kiểu như sao lại cấm con về ngoại.
Tiến thoái lưỡng nan, ông âm thầm dành dụm túi riêng, lấy cớ mừng con vào trung học cơ sở, ông mua tặng cho con một chiếc máy tính cấu hình cực mạnh, chơi game phà phà. Thế là cu con từ đó chẳng màng ra tiệm net nữa vì máy ở nhà mạnh hơn, trong khi đó, ông lại kiểm soát được thời gian con cái học hành.
>> Học sinh Nhật được phát sách giáo khoa miễn phí
Tuy nhiên, ông bạn tôi chẳng bao giờ đồng ý cho con xài điện thoại di động chứ chưa nói gì điện thoại thông minh khi chưa học hết trung học cơ sở. Lý do ông đưa ra rất rõ ràng, muốn tra cứu thông tin gì thêm, về nhà có sẵn máy tính, iPad hoặc điện thoại của ba mẹ. Ở trường, liên lạc với ba mẹ qua điện thoại của nhà trường, còn việc học, tập trung học giáo trình nhà trường đưa ra. Quan điểm của ông, đọc thông tin trên mạng cũng khó có thể thay được việc đọc sách cứng và đó là một kỹ năng ông không muốn con ông mai một.
Thế nhưng, đó chỉ là câu chuyện của ông bạn tôi, một người có hiểu biết nhất định và sắp xếp được thời gian dành cho con cái. Còn những phụ huynh khác thì sao, những người đầu tắt, mặt tối, như công nhân hay nông dân ở vùng nông thôn thì làm sao hành xử như ông bạn tôi. Chắc chắn là khó khả thi và họ trong mong chủ yếu vào sự giáo dục của nhà trường mà thành phần này là không ít. Cái khổ cho họ là con nít dặn trước, quên sau, đâu phải đứa nào bảo ban cũng nhớ lời, né tránh rủ rê.
Có lần tôi đi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm kể lại trường hợp, một em trong lớp mang theo điện thoại đi học (dĩ nhiên là lúc ấy không được sử dụng trong giờ học mà chỉ dùng để liên lạc với gia đình). Trong giờ ra chơi không biết em chạy nhảy như thế nào mà làm rơi mất chiếc điện thoại, em cũng không nhớ mất khi nào. Việc này báo hại cả cô và trò phải ngưng học đi tìm, làm cho cả lớp xào xáo, nghi ngờ lẫn nhau. Cậu học trò thì khóc nếu máo vì sợ về nhà ăn đòn. Cũng may điện thoại đó chỉ là điện thoại "cùi bắp" và cuối cũng cũng tìm thấy ở góc sân trường. Thế là sau đó, nhà trường và phụ huynh thống nhất với nhau không cho học sinh mang điện thoại vào lớp học nữa.
Do vậy, việc cho con sử dụng smartphone khi đi học hay không, hay cho phép học sinh sử dụng để phục vụ việc học hành khi đang ở trên lớp hay không, tôi nghĩ đó là quyết định của từng phụ huynh, từng trường, theo hoàn cảnh của mình.
Và nếu nhà trường cho sử dụng, phải đánh giá toàn diện sự cần thiết và hiệu quả mà nó mang lại, bởi lẽ học sinh cũng có thể tra cứu tài liệu ở nhà sau giờ lên lớp. Ngoài ra, cũng cần phải đánh giá độ tuổi cho phép sử dụng, lớp 8 trở lên thì khả dĩ chứ như lớp 6 các cháu còn quá nhỏ.
Phần tôi, tôi lại thấy cảm thương cho thầy cô giáo vì họ lại phải làm một công việc ngoài chuyên môn là giám sát các em sử dụng smartphone trên lớp học nếu nhà trường cho áp dụng.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Quý Nguyễn