Lịch trình của một học sinh trong những năm qua như sau: Học ở trường từ 6h đến 17h. Vừa tan học, phụ huynh chờ sẵn, dúi vào tay ổ bánh mì, hộp sữa rồi chở đến lớp học thêm, mặc cho bộ não của con mình bị bão hòa, cơ thể bị kiệt sức.
Nhiều khi về tới nhà, con chỉ kịp vứt cặp sách nhảy lên giường ngủ. Và cứ thế lặp đi lặp lại suốt 12 năm giáo dục phổ thông. Vậy tại sao phụ huynh hay học sinh lại muốn làm thế? Sợ giáo viên đì? Sợ mất kiến thức, không ganh đua được với bạn bè dẫn đến thua kém? Có ai đã thử kiểm tra xem cả ngày đi học, con tiếp thu được những gì?
Tôi gọi những điều này là sự lãng phí. Lãng phí tiền bạc, lãng phí công sức và đặc biệt lãng phí thời gian. Đáng lẽ ra, thời gian học hành cật lực đó đã có thể được dùng để nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của một đứa trẻ. Đáng lẽ trẻ em phải được nghịch đất, xem phim hoạt hình, đọc truyện, tụ tập quây quần bên những đứa trẻ hàng xóm hay phát triển những tài năng của bản thân như ca hát, vẽ vời...
Nhưng không, thứ gọi là tuổi thơ đã tràn ngập những công thức phức tạp, những tác phẩm văn học thuộc nằm lòng rập khuôn. Tệ hơn nữa bọn trẻ phải học tất cả 13 môn bằng lý thuyết.
>> "Vì sao học sinh Việt giải Toán 'dễ như ăn kẹo' nhưng kém sáng tạo?"
Vào bậc tiểu học, trẻ con phải được dạy về cách làm người, cách trở thành một người công dân tốt. Nhưng cuốn sách đạo đức chỉ dày bằng một phần mười cuốn sách tự nhiên và tất nhiên là phải học thuộc lý thuyết khô khan.
Nhiều đứa trẻ trở thành những cỗ máy thành tích, nhồi nhét kiến thức mang tầm vóc to lớn khi chúng chỉ mới ở giai đoạn rất sớm của cuộc đời. Và cứ thế tiếp tục trong những năm học tiếp theo, nhồi nhét kiến thức để lên được cấp 3 rồi lại quên hết và lặp lại ở những năm học cấp 3 để lên được đại học.
Nhưng điều tệ hại nhất là phụ huynh và con cái thường có khoảng cách giữa hai thế hệ. Hầu hết đều áp đặt suy nghĩ lên con cái là phải học, học nữa, học mãi cho đến khi giỏi hơn đời cha mẹ. Cha mẹ bỏ qua những ý kiến, suy nghĩ, sở thích của chúng mà chỉ dựa vào hình mẫu "con nhà người ta" để làm con nhà mình xấu hổ mỗi khi so sánh.
Con bạn không giỏi cái này như con người ta không có nghĩa là con người ta vĩ đại hơn con của bạn. Chẳng quá đó là sở trường và năng khiếu của những đứa trẻ đó khác con bạn mà thôi. Tại sao chúng ta không tìm tòi xem con cái mình thích gì để mà phát triển mà lại áp đặt cái khác lên tụi nó? Hãy để trẻ sống và tận hưởng cuộc sống chứ không phải là cỗ máy làm việc, học hành liên tục.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Kaito Vũ