Thông tư số 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT, có hiệu lực từ 11/10, cho thấy nhiều điểm mới, đặc biệt là việc giảm số đầu điểm kiểm tra. Theo đó, học sinh THCS và THPT sẽ được bỏ bài kiểm tra một tiết.
Một số độc giả là phụ huynh học sinh bày tỏ lo lắng. Độc giả Phương Đặng cho rằng nếu bỏ bớt bài kiểm tra, giáo viên khó biết học sinh tiếp thu bài vở như thế nào:
Con trai tôi đang học cấp ba, tính thì ham chơi, khi nào có bài kiểm tra thì cháu mới học. Ngành giáo dục bỏ bớt kỳ kiểm tra như vậy, cháu nào có ý thức học thì tốt, cháu nào còn lười biếng, ỷ y thì thầy cô và cha mẹ phải lo lắng nhiều.
Điểm mạnh của việc thay đổi này là tạo điều kiện cho các cháu học được tính tự lập, tự học, khả năng thuyết trình, tin học, giúp cho việc học lên đại học, cao đẳng đỡ bỡ ngỡ.
Khuyết điểm là khổ cho các thầy cô, kiểm tra thường xuyên thì mới biết học sinh mình nắm vững phần nào, cần bổ sung kiến thức phần nào, còn kịp thời sửa kịp. Chỉ thông qua vài bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, tôi sợ thầy cô sẽ khó nắm sát sao khả năng học của từng học sinh.
Độc giả simlaswitch có cùng quan điểm:
Bài kiểm tra không chỉ để đánh giá năng lực mà còn là động lực để học sinh ôn lại bài. Bỏ kiểm tra thì thay vì một, hai tháng ôn bài một lần, học sinh sẽ để tới thi học kỳ mới đem hết bài vở ra ôn một lượt. Học vẹt để thi chứ không có thời gian để nhớ lại kiến thức một cách đúng đắn.
Thực tế là ở độ tuổi học sinh THCS, THPT, không nhiều em biết tự giác học tập. Nhiều em chỉ học khi có áp lực thôi. Người lớn muốn giảm bớt áp lực cho các em là rất tốt, nhưng tốt nhất là phải đặt áp lực một cách đúng đắn, vừa phải và phải tìm cách để các em biết (và chịu) chủ động việc học mới được. Riêng với vụ bỏ kiểm tra này, không phải giảm áp lực mà là dồn hết áp lực vào thi cuối kỳ thì đúng hơn. Lợi bất cập hại.
Trong khi đó, độc giả ducthetp cho rằng bỏ bớt đầu điểm là bất lợi cho học sinh:
Giảm số đầu điểm sẽ có bất lợi cho học sinh, em nào điểm thấp muốn "gỡ" cũng chẳng được.
Thông tư có điểm chưa rõ, không biết đây chỉ là số đầu điểm tối thiểu thôi hay là bắt buộc chỉ được phép có tối đa 6 đầu điểm. Vì bình thường, quy định cũ thì tối thiểu một điểm miệng, nhưng thực tế nhiều học sinh có đến hai, ba đầu điểm miệng do em đó xung phong lên bảng làm bài nhiều lần, thực ra như thế rất có lợi cho học sinh.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp